Với kinh nghiệm gần 10 năm theo dõi thị trường nông sản, tôi biết đây là đợt thanh long trái vụ, ra trái bằng thắp đèn nên giá vốn sản xuất thường cao, ít nhất 15 nghìn đồng/kg.
Dựa vào giá cả trái cây lề đường tại TP HCM có thể hình dung phần nào tình hình xuất khẩu tại biên giới phía Bắc với Trung Quốc, thị trường xuất khẩu trái cây lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay.
Tết năm 2020, khi Covid-19 mới chỉ là những thông tin rò rỉ rất hạn chế từ Vũ Hán, Trung Quốc, trái cây đã "phát tín hiệu" khá sớm. Thanh long đỏ, đặc sản của Việt Nam được bán với giá chỉ 10 nghìn đồng/kg. Dưa hấu cũng tương tự, khoảng 6 nghìn đồng/kg. Thanh long và dưa hấu là hai trong chín loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch từ Việt Nam vào Trung Quốc. Danh sách này không thay đổi hai năm qua, khi hai bên chưa thể đàm phán thêm cho các loại trái cây tiềm năng của Việt Nam.
Một doanh nhân chuyên xuất khẩu trái cây nói với tôi, rằng anh chưa từng thấy thị trường ảm đạm như vậy trong hơn 10 năm kinh doanh. Khi Trung Quốc cấm biên với lý do theo đuổi chính sách zero-Covid nhằm phục vụ Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2022, anh cố gắng duy trì các container lạnh, với chi phí tăng lên từng ngày suốt một năm qua chờ chính sách cởi mở hơn. Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa cải thiện đáng kể. Trung Quốc dường như có nhiều lý do để cản trở xuất nhập khẩu ở biên giới, hơn là Thế vận hội. Lệnh 248 và 249 về các tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng chỉ là một phần lý do.
Chiến sự Nga - Ukraine bắt đầu hai ngày sau khi kết thúc Thế vận hội, một lần nữa giáng đòn vào những người kinh doanh trái cây xuất khẩu như anh. Châu Âu, châu Úc, Mỹ chưa bao giờ là thị trường tiềm năng của Việt Nam bởi giá thành trái cây của họ tương đối rẻ. Phần lớn trái cây xuất khẩu sang ba khu vực kể trên nhằm phục vụ cộng đồng người Việt và châu Á, khó cạnh tranh với trái cây bản địa, đặc biệt là về giá cả. Sau nhiều đợt bùng phát Covid-19, tâm lý bi quan của người tiêu dùng đã tác động trực tiếp tới sức mua tại những thị trường này. Những container xuất khẩu trái cây vào các nước trên chủ yếu mang tính biểu tượng, khối lượng thấp và ít khi có lãi, anh nhận xét.
Giá cước vận tải biển đã tăng liên tục trong hai năm trở lại đây. Các doanh nghiệp không chỉ phải chịu mức chi phí vận tải cao, mà còn luôn trong tình trạng thiếu tàu hàng, thậm chí phải đặt trước cả tháng. Chi phí vận tải một container trái cây từ Long An sang Trung Quốc (tính cả chặng đường bộ và đường biển) từ mức quanh 40 triệu đồng năm ngoái, đã tăng lên 150 triệu đồng năm nay.
Trung Quốc với quy mô hơn 1,4 tỷ dân cùng đường biên đất liền dài hơn 1.000 km vẫn là thị trường chính của trái cây Việt Nam. Tính chung cả rau củ quả, năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 1,9 tỷ USD sang Trung Quốc, bất chấp những khó khăn và bất ổn. "Bỏ trứng vào một giỏ" là điều không doanh nghiệp nào mong muốn, nhưng thị trường Trung Quốc hấp dẫn với cả thế giới, không chỉ Việt Nam, trong khi chúng ta có lợi thế hơn hẳn các quốc gia khác.
Trung Quốc đang bước vào giai đoạn đô thị hóa mạnh mẽ, từ mức hơn một phần ba dân số sống tại các thành phố năm 2000, đến nay tỷ lệ đó đã ở mức gần hai phần ba, theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới. Mức sống tăng cùng những thói quen chi tiêu hiện đại đã biến quốc gia này thành một thị trường khổng lồ cho các sản phẩm nhập khẩu, trong đó có trái cây. Báo cáo của Produce Report cho biết năm 2021 Trung Quốc đã nhập khẩu gần 13,5 tỷ USD trái cây, tăng 31% so với năm 2020.
Tỷ trọng xuất khẩu rau củ quả từ Việt Nam sang Trung Quốc đã giảm đáng kể trong hai năm trở lại đây, nhưng vẫn duy trì quá nửa.
Tuy vậy, thị trường Trung Quốc đang ngày càng trở nên khó dự đoán. Các loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch của Việt Nam hầu hết từ các doanh nghiệp xuất khẩu lớn, có hợp đồng ổn định lâu năm. Doanh nghiệp đi đường tiểu ngạch đang bị dồn ứ tại các cửa khẩu mà không thể dự đoán sẽ kéo dài bao lâu.
Trung Quốc đã tự trồng một số loại trái cây cho thị trường nội địa, như thanh long, chuối. Tuy nhiên, Việt Nam có lợi thế khí hậu miền Nam nóng quanh năm, thích hợp với trái cây nhiệt đới. Chuối và thanh long của Việt Nam sẽ có lợi thế khi quốc gia láng giềng này bước vào mùa đông lạnh giá. Sầu riêng, một loại trái cây đặc sản tại Việt Nam, chưa thể vào danh sách xuất khẩu chính ngạch. Để xuất khẩu, các doanh nghiệp đang "mượn" tem nhãn (là giấy chứng nhận xuất xứ, vẫn thường gọi là mã C/O) của các nước đối thủ như Thái Lan, Malaysia. Báo cáo từ Produce Report vẫn thống kê toàn bộ 4,2 tỷ USD sầu riêng tươi nhập khẩu vào Trung Quốc đều có xuất xứ Thái Lan. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu sầu riêng với cách không chính thống như vậy.
Muốn cải thiện tình hình, việc tuân thủ tiêu chuẩn của thị trường đối tác là điều người nông dân và doanh nghiệp không thể né tránh. Thị trường trong nước, tuy nhỏ và sức mua hạn chế, cũng đáng được đẩy mạnh hơn. Tuy nhiên, muốn phát triển với quy mô lớn, xuất khẩu vẫn là con đường dài hơi.
Và để vực dậy cả một ngành sản xuất nông nghiệp, sự nỗ lực lẻ tẻ nêu trên của các doanh nghiệp, thương lái và hộ nông dân là không đủ.
Bộ Công Thương những năm qua đã liên tục cập nhật chính sách nhập khẩu từ các nước. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp và thương lái khi được hỏi, cho biết họ cập nhật thông tin theo các nguồn không chính thống từ đối tác nước ngoài, nhanh và hiệu quả hơn.
Trái cây Việt Nam cần tạo được vị thế cạnh tranh quốc gia đáng kể hơn. Những loại trái cây giàu tiềm năng xuất khẩu như sầu riêng, bơ cần được thúc đẩy đàm phán quyết liệt hơn để xuất khẩu chính ngạch, sau hai năm đàm phán đình trệ.
Nếu lần lữa quá lâu, lợi thế trái cây nhiệt đới của Việt Nam sẽ rơi vào tay các đối thủ Đông Nam Á khác.
Minh Thư