![]() |
Casillas (trái) và hai thủ môn còn lại của đội tuyển Tây Ban Nha, Pepe Reina (giữa) và Victor Valdes. |
Thủ môn đội tuyển Tây Ban Nha phàn nàn sau trận giao hữu thắng nhọc nhằn Ả-rập Xêut 3-2 cuối tuần qua. "Nó hơi giống một quả bóng đá bãi biển", anh nói. "Thật buồn khi một sự kiện quan trọng như World Cup mà lại sử dụng một quả bóng có chất lượng đáng sợ như vậy".
Trước đó, thủ môn Julio Cesar của Brazil cũng bày tỏ sự không hài lòng với quả bóng do hãng Adidas sản xuất. Anh cho rằng trái bóng này "thật kinh khủng" và như một sản phẩm rẻ tiền ở "một cửa hàng tạp hóa".
Thủ môn Joe Hart của Anh thì mỉa mai rằng: "Người ta đang muốn làm cho các trận đấu bóng thêm hài hước, và tôi nghĩ rằng họ đang thành công với quả bóng này".
Ngay chính HLV Fabio Capello cũng đồng quan điểm với học trò: "Khi trái bóng này di chuyển nó luôn tạo ra nhiều khó khăn hơn cho thủ môn".
Một số điều về trái bóng Jabulani
Để trái bóng có độ tròn và quỹ đạo bay chuẩn nhất có thể, Adidas chỉ sử dụng 8 miếng ghép tạo nên vỏ ngoài. Đây là con số thấp hơn nhiều so với trước. Tại World Cup 2006 trái bóng được ghép từ 14 miếng (World Cup 1970 thậm chí là 32). Khác với trái bóng thông thường được khâu bằng chỉ, Adidas dùng nhiệt để hàn các miếng ghép của Jabulani. Điều này giúp trái bóng giảm trừ được sai biệt kỹ thuật khi dùng chỉ khâu. Theo tiêu chuẩn của FIFA, mỗi trái bóng có trọng lượng nằm trong khoảng 420-445 gram. Jabulani nặng 440 gram với sai số chỉ trên dưới 0,2 gram. Trước khi được đưa vào sử dụng, Jabulani phải trải qua hàng loạt khâu kiểm tra khắt khe với 2000 lần va chạm vào bề mặt một tấm thép với vận tốc 50 km/h. Bên cạnh đó là một loạt thử nghiệm về độ thấm nước, quỹ đạo bay... Sau quá trình này, trái bóng vẫn phải đảm bảo độ tròn gần như tuyệt đối nếu không sẽ bị loại ra. Điều này được quyết định bằng một loại máy đo đường kính, áp dụng trên 16 điểm khác nhau của trái bóng. Theo tiêu chuẩn của FIFA đường kính được phép sai lệch tối đa 1,5% nhưng với những trái bóng chuẩn của Jabulani chỉ là 1%. Để kiểm tra độ nảy, Jabulani được thả từ độ cao 2 mét. Theo quy định của FIFA, sự chênh lệch giữa lần nảy lên cao nhất và lần thấp nhất chỉ trong khoảng 10 centimet. Ở Jabulani, độ chênh lệch khá đều và thường là 143 - 149 centimet. Jabulani trông khá bắt mắt khi được trang trí bằng 11 màu biểu tượng cho 11 cầu thủ của 11 đội tuyển châu Phi. Trong tiếng Zulu, Jabulani có nghĩa là "hãy vui lên". Giá của mỗi trái bóng Jabulani vào khoảng 150 USD (gần 3 triệu đồng). |
Hà Uyên