Sinh ra trong gia đình khó khăn ở huyện An Minh, ngày nhỏ ông Tuấn thường vào vùng đệm rừng U Minh săn bắt sản vật, cải thiện bữa ăn cho gia đình. Một lần bị lạc giữa rừng, ông leo lên cây ngủ, chú chó ông dẫn theo vẫn canh giữ bên dưới suốt đêm, không chịu rời đi. Cả hai trở về nhà vào trưa hôm sau. Kể từ đó, ông ấp ủ ý định săn lùng, tìm giống chó quý, "sống tình nghĩa" để bảo tồn.
Tốt nghiệp cử nhân rồi đi làm, trong một chuyến công tác đến Phú Quốc, ông Tuấn được biết giống chó trên đảo có nhiều điểm đặc biệt như: xoáy lưng, chân có màng, bơi giỏi, biết leo rào, đẻ con trong hang, đặc biệt rất tinh khôn nên đã quyết định bảo tồn giống chó này.
Năm 1999, ông dùng 200 triệu tiền lãi từ nuôi tôm sú, mua 2.000 m2 đất ở Phú Quốc mở trang trại, tìm chó con thuần chủng để nuôi. Ban đầu ông treo thưởng cho tài xế xe ôm, nếu chỉ được nơi nào có giống chó tốt được thưởng công 10.000 đồng và gấp đôi nếu mang đến tận trại. Ông còn thuyết phục chủ quán thịt cầy bán cho ông những con đang mang bầu, chó con với giá cao.
Trong thời gian ngắn, trại nuôi có gần trăm con nhưng sau đó chúng bị bệnh, chết hàng loạt. Mời nhiều bác sĩ thú y giỏi thăm khám, song tất cả đều không cứu được. Từ Tây y chuyển sang Đông y, ai chỉ trồng cây gì, phương thuốc dân gian nào, ông cũng đều thử qua, nhưng đàn chó vẫn không giữ được.
Thất bại nối tiếp, từ một công chức có của ăn của để ông Tuấn đổ nợ. Căn nhà sắp bị ngân hàng bán đấu giá. "Nhiều người nói tôi điên rồ làm chuyện trên trời", ông nhớ lại những lời gièm pha lúc đó.
Tháng 9/2003, được một người quen cho mượn vốn đầu tư, ông Tuấn xác định là "trận đánh cuối cùng". Đàn chó gồm 30 lớn, nhỏ được ông chia làm 8 khu nuôi tách biệt nhằm khảo nghiệm, ghi chép cẩn thận. Thức ăn cho chó phân bổ từ ít đến nhiều với đa dạng chủng loại, liều lượng thuốc khi chúng bệnh,... Hai tháng sau chỉ 18 con còn trụ lại.
Từ ghi chép, quan sát mỗi ngày, ông Tuấn phát hiện vấn đề mấu chốt là không được cho chó Phú Quốc ăn quá no, thức ăn không dầu mỡ. Chó con dưới 6 kg không ăn thức ăn có xương.
Giải thích thêm, ông cho biết chó xoáy Phú Quốc vốn là loài chó hoang sống trên rừng. Trong môi trường hoang dã, bản năng sinh tồn buộc chúng ăn thật nhanh nên việc nghiền thức ăn ở khoang miệng ít hơn chó nhà. Khi thức ăn có nhiều xương và ăn no khiến xương đâm vào niêm mạc dạ dày, kết hợp các chất nhiều dầu mỡ sẽ dễ bị bệnh đường ruột, gây tiêu chảy.
Sau khi nuôi thành công trong trại tập trung, ông Tuấn phối hợp với nhà khoa học tiến hành các đề tài nghiên cứu nhằm bảo tồn những gen quý từ giống chó xoáy trên đảo. Từ trại nuôi 2.000 m2, ông nâng lên diện tích gấp ba sau đó thuê 4,8 ha đất rừng mở trung tâm bảo tồn lớn nhất nước, kết hợp mở điểm tham quan.
Trại nuôi phân thành nhiều khu vực do một huấn luyện viên phụ trách dinh dưỡng, tập luyện. Chúng được nhốt chung thành từng đôi, bên ngoài quây bằng lưới B40, nền đất tự nhiên để chó dễ dàng đào hang đẻ con. Do đặc tính hoang dã, chó Phú Quốc khá dữ, khó nhốt chung nhưng khi chọn được bạn đời sẽ rất chung thuỷ.
Từ những đặc tính tinh khôn, trung tâm tuyển chọn những con có năng khiếu để biểu diễn các tiết mục: chó nhặt rác, leo rào, đua địa hình. Trường đua chỉ phục vụ khi du khách đông, các tiết mục còn lại đều bố trí ca trực cụ thể cho từng con. Lâu ngày chúng quen và tự giác đến "điểm danh" vào buổi sáng, nhận khẩu phần ăn đặc biệt gồm đầu gà, vịt.
Chiều muộn, những chú chó sẽ được tự do lên rừng thư giãn để bớt cảm giác tù túng vì bị nuôi nhốt. Mỗi ngày đàn chó hơn 400 con của trung tâm được cho ăn hai lần với tổng khối lượng 50 kg gạo, 25 kg cá, bên cạnh lịch tiêm chủng định kỳ.
Theo những huấn luyện viên, đa số chúng đều rất khôn, hiểu tiếng người nhưng không phải con nào cũng chịu biểu diễn. Do không dùng vũ lực khi tập luyện, người làm công việc này đòi hỏi sự nhạy bén, tìm được những chú chó có năng khiếu, chịu hợp tác.
Những tháng cao điểm trung tâm bảo tồn thu hút 2.000 khách với giá vé 50.000 đồng. Sau dịch lượng khách thưa thớt, doanh thu đủ duy trì trả lương nhân viên, thức ăn cho đàn chó.
Nguồn thu khác của trại là bán chó con giống, song ông Tuấn luôn tuân thủ nguyên tắc chỉ bán 30%, số còn lại dành tăng đàn. Cùng với việc bảo tồn, ông Tuấn đã đăng ký thương hiệu chó xoáy Phú Quốc. Người đàn ông gần 60 tuổi tin rằng loài chó xoáy không thua kém các giống khác trên thế giới.
Một niềm vui khác mà ông Tuấn coi là lớn nhất đó là từ 21 quán thịt chó nay Phú Quốc chỉ còn một vài quán. "Điều này chứng tỏ sự quý mến dành cho loài chó tinh khôn đã lan toả sang nhiều người", ông nói.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, chó lưng xoáy là giống chó đặc hữu của Việt Nam hiếm có trên thế giới, xuất hiện rất lâu trên đảo Phú Quốc.
Ngọc Tài