Luật sư Nguyễn Văn Trung, Đoàn Luật sư TP HCM:
Phải chờ kết quả điều tra, xác định lỗi của người quản lý tòa nhà trong trường hợp này thế nào. Theo quy định, khi thiết kế, xây dựng hay sử dụng nhà phải bảo đảm nguyên tắc về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC). Cần xác minh xem người quản lý có tuân thủ nguyên tắc này không (căn cứ trên các biên bản kiểm tra định kỳ của phòng cháy chữa cháy). Nếu có chứng cứ cho rằng người quản lý tòa nhà đã không đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC (có biên bản nhắc nhở của cơ quan chức năng) mà vẫn không khắc phục, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285 Bộ luật Hình sự). Theo thông tin trên báo đài, tòa nhà mới được kiểm tra về PCCC, do đó phải làm rõ vấn đề lỗi của người quản lý tòa nhà hay do sự thiếu nghiêm túc trong công tác kiểm tra an toàn PCCC của cơ quan chức năng.
Luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn Luật sư TP HCM):
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ cháy là trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng, bao gồm bồi thường thiệt hại vật chất và thiệt hại tinh thần. Theo Điều 610 Bộ luật Dân sự, nguyên tắc bồi thường thiệt hại là bồi thường toàn bộ và kịp thời. Người bị thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường về các phương diện: Thứ nhất, thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, và phát sinh là thiệt hại về vật chất (các chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc phục hồi chức năng bị mất, bị giảm sút, theo Điều 613, 614 Bộ luật Dân sự). Thứ hai, tổn thất về tinh thần, không tính được bằng tiền theo nguyên tắc ngang giá nhưng tòa có thể quyết định một khoản bù đắp tổn thất tinh thần cho người bị thiệt hại, hoặc người thân, gia đình họ. Thứ ba là thiệt hại về tài sản, bao gồm tài sản bị mất mát, chi phí để ngăn chặn, hạn chế, sửa chữa khắc phục thiệt hại...
Trong vụ cháy này, các thợ hàn đến vũ trường làm theo sự phân công của chủ cơ sở (tư nhân), cho nên chủ cơ sở này phải có trách nhiệm đứng ra bồi thường thiệt hại do người làm công của mình gây ra (Điều 626 Bộ luật Dân sự). Sau đó, chủ cơ sở có quyền yêu cầu người thợ có lỗi trong việc gây ra thiệt hại hoàn trả lại cho mình.
Ngoài ra, cá nhân người bị thiệt hại đã mua bảo hiểm (gồm bảo hiểm tài sản, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, bảo hiểm tính mạng) thì khi phát sinh sự kiện bảo hiểm (vụ cháy), phía công ty bảo hiểm phải bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm đã thỏa thuận với bên mua bảo hiểm (Điều 575 Bộ luật Dân sự). Sau đó, bên bảo hiểm có quyền kiện đòi người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải bồi thường.
Luật sư Trương Xuân Tám (Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu):
Điều quan trọng trong vụ cháy này là phải điều tra làm rõ các cá nhân, tổ chức liên quan trong việc bảo đảm nguyên tắc an toàn lao động và PCCC. Trường hợp điều tra xác định được chủ cơ sở hàn không tuân thủ đúng nguyên tắc về an toàn lao động, nhận thợ nhưng không huấn luyện, không trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ cho thợ để đảm bảo an toàn cho tính mạng, sức khỏe của người lao động và những người xung quanh thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm các quy định về an toàn lao động (Điều 227 Bộ luật Hình sự). Thứ hai là trách nhiệm của chủ vũ trường, nếu họ không tuân thủ các quy định về PCCC. Họ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm các quy định về PCCC (Điều 240 Bộ luật Hình sự). Cuối cùng là trách nhiệm của đơn vị quản lý tòa nhà ITC. Nhiều thông tin cho thấy việc sử dụng không hợp lý các chức năng của ngôi nhà, không đảm bảo các nguyên tắc an toàn cháy nổ.
(Theo Tuổi Trẻ)