1. Người Việt có yêu bóng đá?
Đúng là nhìn bề ngoài thì người Việt chúng ta có vẻ yêu bóng đá lắm. Nhưng đi sâu vào thì có vẻ là không hẳn. Cổ động viên của chúng ta chỉ đi xem khi đội tuyển hay câu lạc bộ đá hay, có thành tích. Còn không, hãy nhìn xem, khán đài thưa thớt, còn khán giả thì chỉ bình luận những chuyện tiêu cực hay bên lề.
Đội tuyển quốc gia và các câu lạc bộ đến nay vẫn chưa đội nào có được một bài hát chính thức, các đội bóng không thấy truyền thống gì, cứ vài năm lại thấy ''mọc'' ra một đội mới mà chỉ cùng lắm được một vài năm sau là quên hết không biết mọc từ đâu ra.
Hãy nhìn các nước có truyền thống mà xem, các đội bóng tuổi đời hàng trăm năm, đổi không biết bao đời chủ vẫn nguyên vẹn một cái tên. Khi đội thắng thì người ta ăn mừng, thua thì người ta khóc (có người còn tự tử nữa) nhưng cổ động viên chân chính tuyệt nhiên không ai bỏ đội, vẫn đến sân cổ vũ, động viên như thường.
Khi đội nhà chuẩn bị xuống hạng, khán giả vẫn khoác tay nhau hát trong nước mắt đến phút cuối cùng, những mong đội sớm quay trở lại. Chỉ qua mấy chuyện này thôi cũng đã thấy mức độ ''yêu'' của chúng ta thế nào rồi.
2. Công tác tổ chức thiếu chuyên nghiệp
Tôi đã rất nhiều lần nói, VPF là một "dị dạng" của bóng đá VN. Không một nước nào có cái công ty kiểu như vậy (xin lỗi tôi chưa đi hết tất cả các nước nên không biết có còn cái này ở đâu nữa không).
Mấy ông tự đứng ra tổ chức cuộc chơi cho con cháu ông và những người khác, vậy thì đừng có mong có sự công bằng ở đây. Chưa kể mấy ông VPF này cũng chỉ là một doanh nghiệp, lấy tư cách đâu mà điều hành các đội bóng - cũng là các doanh nghiệp khác? Vậy thì cái này có bền vững được không?
Ôi, cái đường ''yêu'' bóng đá, đường lên ''chuyên nghiệp'' cũng còn trắc trở lắm thay.
Hoàng Quỳnh