Huỳnh Tịnh Của hay Huình Tịnh Của (1830–1908), còn gọi là Paulus Của, hiệu Tịnh Trai, là một nhà văn hóa học và ngôn ngữ học. Huỳnh Tịnh Của có đóng góp xuất sắc trong việc nghiên cứu, phát triển và truyền bá chữ quốc ngữ trong giai đoạn đầu, đặc biệt là ở Nam Bộ. Ông quê ở làng Phước Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa, nay là huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo nhà nghiên cứu Đoàn Lê Giang (Khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM), Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Nguyễn Trọng Quản là bốn nhà văn quốc ngữ tiên phong của vào cuối thế kỷ. Trương Vĩnh Ký đóng góp chủ yếu vào phương diện báo chí, nghiên cứu văn hóa, ngữ pháp, từ điển đối chiếu bằng cả hai ngôn ngữ Việt và Pháp; Trương Minh Ký chủ yếu ở dịch văn học Pháp; Nguyễn Trọng Quản ở lĩnh vực tiểu thuyết. Trong khi đó, Huỳnh Tịnh Của đóng góp ở báo chí, nghiên cứu văn hóa, văn học, ngữ vựng, từ điển học.

Bìa Tống Tử Vưu truyện, bổn cũ dọn lại của Huỳnh Tịnh Của, xuất bản 1907. Ảnh: Tư liệu
Vùng Bà Rịa, quê Huỳnh Tịnh Của là địa bàn cư ngụ của giáo dân Thiên chúa giáo Bình Định di cư vào từ mấy trăm năm trước. Thủa nhỏ, Huỳnh Tịnh Của theo học chữ Nho và tiếng Pháp. Năm 12 tuổi ông được đưa sang Paulo Penang, Malaysia để học trong trường đạo.
Năm 1862, Huỳnh Tịnh Của ra làm thông ngôn, lãnh việc phiên dịch văn án cho chính phủ thuộc địa ở Phòng phiên dịch Dinh Thượng thư Sài Gòn. Năm 1865 ông được biệt phái về làm việc ở Bộ Tổng tham mưu. Năm 1873, ông được thăng chức Huyện đệ nhất hạng, đến làm việc tại Phòng phiên dịch ở Dinh Thượng thư. Tiếp đó, ông được thăng chức Phủ đệ nhị hạng, Phủ đệ nhất hạng và được bổ làm Đốc phủ sứ ngoại ngạch.
Năm 1892, Huỳnh Tịnh Của được chọn làm hội viên của Ủy ban Cải tổ trường Thông ngôn. Ông tham gia ban biên tập bán nguyệt san Revue Indochinoise (Tạp chí Đông Dương), một tạp chí có giá trị học thuật xuất bản từ cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20.
Ông từng làm chủ bút tờ Gia Định báo một thời gian và giữ việc biên tập liên tiếp nhiều năm cho tờ báo này. Ông viết nhiều bài khảo cứu về các cổ tích, khoa học phổ thông, sưu tập thi ca cũ, đồng thời phiên dịch các bài diễn văn, nghị định, công văn bằng tiếng Pháp ra Việt văn. Huỳnh Tịnh Của còn dành nhiều thời gian cho việc phiên âm, biên tập vốn văn chương cổ như truyện thơ Nôm, thơ văn cũ Nam Kỳ và xuất bản để phổ biến rộng rãi.
Huyện Đất Đỏ còn là quê của Võ Thị Sáu (1933-1952) - một liệt sĩ cách mạng, anh hùng lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Pháp.