Nguyễn Trãi sinh năm 1380, hiệu là Ức Trai, quê ở Chi Ngại (Chí Linh, Hải Dương), sau dời đến làng Nhị Khê (Thường Tín, Hà Nội). Cha ông là Nguyễn Ứng Long tức Nguyễn Phi Khanh, mẹ là Trần Thị Thái, con gái của Trần Nguyên Đán, thuộc dòng họ tôn thất.
Vì sớm mồ côi mẹ nên từ nhỏ ông sống với cha ở làng Nhị Khê. Vốn thông minh, hiếu học, lại được cha rèn cặp nên chẳng bao lâu kiến thức uyên thâm của ông nổi tiếng khắp vùng. Năm 1400, Nguyễn Trãi tham dự khoa thi đầu tiên dưới triều Hồ và đỗ Thái học sinh, sau đó ra làm quan, được trao chức Ngự sử đài Chính chưởng.
Năm 1406, nhà Minh đem quân xâm lược Đại Ngu, cha con Hồ Quý Ly tổ chức kháng chiến, nhưng thất bại và bị bắt. Nhiều bề tôi nhà Hồ chịu chung số phận, trong đó có Nguyễn Phi Khanh. Sau khi nước Đại Ngu rơi vào tay nhà Minh, Nguyễn Trãi tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo. Ông trở thành mưu sĩ của nghĩa quân Lam Sơn, phò tá Lê Lợi.
Mùa xuân năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Thuận thiên. Nhà vua sai Nguyễn Trãi làm bài "Bình Ngô đại cáo", thay lời vua tuyên cáo kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Minh và khẳng định sự độc lập của Đại Việt.
Trong bài cáo, Nguyễn Trãi nhắc đến vai trò của người dân trong lịch sử và cách giành chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn. Bài cáo cũng là câu trả lời cho câu hỏi tại sao nghĩa quân Lam Sơn có thể chiến thắng quân đội nhà Minh. Đó là chính sách dựa vào nhân dân.
Bài cáo được mở đầu như sau: "Từng nghe: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo/ Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Núi sông bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam cũng khác/ Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương/ Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau/ Song hào kiệt thời nào cũng có...". Hai câu thơ "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo" xuất hiện ở nửa sau của "Bình Ngô đại cáo".
Đây là tác phẩm văn học với chức năng hành chính quan trọng đối với lịch sử dân tộc và là tác phẩm có chất lượng văn học tốt. Đến nay, tác phẩm này không những được coi là bản "Thiên cổ hùng văn" mà còn được xem là bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai của Việt Nam, sau bài Nam Quốc sơn hà thời Lý.

Nhà thơ Nguyễn Trãi.
Tú Linh (Tổng hợp)