Michelle Tran bắt đầu tìm việc năm ngoái nhưng thị trường tuyển dụng ngày càng khó khăn khiến cô vẫn thất nghiệp.
Điều này khiến Michelle dần coi xin việc là công việc toàn thời gian. Cô bắt đầu lập kế hoạch để ứng tuyển 30 việc làm mỗi tháng. Người phụ nữ này cũng dành phần lớn thời gian để làm những bài kiểm tra năng lực kéo dài nhiều giờ, trừ ngày cuối tuần.
Trong quá trình này, cô bất ngờ khi thấy một số công ty sẵn sàng trả tiền để các ứng viên tham gia những bài kiểm tra. Michelle từng được tặng thẻ quà tặng trị giá 90 USD để hoàn thành bài tuyển dụng kéo dài hai tiếng.
Ngày nay bối cảnh tuyển dụng đang thay đổi nhanh chóng. Cuộc đại khủng hoảng lao động (the great resignation - hiện tượng người lao động ồ ạt nghỉ việc hoặc nhảy việc) dần nhường chỗ cho xu hướng mới mang tên Big stay với nhiều người ở lại để tìm kiếm sự ổn định trong công việc. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có ít việc làm hơn cho những người thất nghiệp.
Chris Abbass, người sáng lập kiêm CEO của công ty giới thiệu việc làm Talentful ở Mỹ, nói thị trường làm việc có những sự thay đổi mạnh mẽ trong vài năm qua.
Các công ty bắt đầu thắt chặt hầu bao của mình trước tình hình kinh tế khó khăn. Điều này khiến cán cân quyền lực bắt đầu nghiêng về phía các nhà tuyển dụng. Cũng do cắt giảm chi tiêu, các công ty có thể không còn trả tiền cho các ứng viên tham gia tuyển dụng. Do vậy một số người tìm việc ngạc nhiên khi nhận tiền đền bù lúc tham gia làm các bài kiểm tra.
Như với Michelle, cô vẫn sẵn sàng làm các bài kiểm tra không được trả chi phí để đảm bảo không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội việc làm.
Một số công ty nhận thấy việc trả tiền cho ứng viên giúp họ nâng cơ hội tuyển dụng được những người giỏi nhất và khiến quy trình trở nên công bằng hơn.
Datapeople, công ty cung cấp dịch vụ tìm kiếm nhân sự có trụ sở tại New York sử dụng một nền tảng đặc biệt để hỗ trợ các công ty cải thiện quá trình phỏng vấn nhân sự mới, bao gồm cả việc cam kết trả tiền cho các ứng viên tham gia bài test.
Amit Bhatia, đồng sáng lập công ty Datapeople, nói rằng chế độ này áp dụng cho ứng viên ở mọi cấp bậc, từ nhân viên mới đến các vị trí cấp cao. Mức tiền đền bù không phụ thuộc vào chức danh mà quy định vào sự nỗ lực bỏ vào bài tuyển dụng.
Bhatia cho rằng việc trả tiền cho các ứng viên làm bài kiểm tra là cần thiết cho một quá trình phỏng vấn. Bởi một số người lao động có thể phải chi tiền gửi con ở trung tâm chăm sóc để tập trung hoàn thành các bài kiểm tra tuyển dụng.
Bên cạnh đó không phải mọi ứng viên đều có thể dành thời gian cho các bài tuyển dụng kéo dài. Nguyên nhân là họ có thể đang vướng phải một số khó khăn trong cuộc sống cá nhân và làm giảm cơ hội nhận được việc làm của họ.
Và khi các ứng viên biết bản thân có thể được trả tiền để làm bài kiểm tra công việc, họ sẽ cảm thấy vui vẻ và thoải mái hơn.
Tuy nhiên theo một số chuyên gia, bao gồm cả Carolin Chmielewski, người sáng lập công ty tuyển dụng Talen Cove ở Mỹ lại cho rằng việc trả tiền cho các ứng viên tham gia tuyển dụng sẽ không trở thành chuẩn mực trong tương lai gần.
Bà Carolin cho rằng dù người tìm việc chấp nhận được các bài kiểm tra này thì thái độ cũng dần thay đổi. Nữ chuyên gia này từng chứng kiếm những ứng viên bỏ cuộc vì bài kiểm tra quá tốn thời gian. Trên thực tế không ít người phàn nàn trên các hội nhóm mạng xã hội về quá trình tuyển dụng rườm rà.
Để giải quyết tình trạng trên, các chuyên gia khuyến khích người quản lý nên cân nhắc trả tiền cho các ứng viên nếu bài kiểm tra tuyển dụng mất nhiều thời gian. Bằng cách này, họ có thể tránh mất ứng viên và giảm số lượng người bỏ cuộc trong quá trình ứng tuyển.
Minh Phương (Theo Business Insider)