Victor Park từng là một hàng xóm thân thiện cho đến khi lũ trẻ sống ở tầng trên nhảy nhót cả đêm, cha mẹ chúng bật nhạc to cả ngày. Ban đầu, người đàn ông 36 tuổi sống trong căn hộ tầng 11, thử gọi điện thoại, nói chuyện nhẹ nhàng nhưng chẳng có lại kết quả gì. Park cảm thấy căn hộ của mình bị "xâm lược", dẫn đến các triệu chứng như tim đập nhanh và sợ hãi. Anh quyết định trả đũa bằng cách đập lên trần với một chiếc búa cao su. Cuộc chiến giữa các tầng bắt đầu.
"Đó là sự tra tấn kéo dài 24 tiếng một ngày mà bạn không thể chạy trốn", Park nói, "Họ chỉ nhận ra hệ quả khi bị đối xử y như cách họ đối xử với bạn".
Đại dịch Covid-19 khiến người dân khắp thế giới ở nhà trong thời gian dài chưa từng có. Ở Hàn Quốc, hơn hai phần ba dân số sống ở chung cư, trong khi các phòng gym đóng cửa, quán cafe không đón khách khiến thủ đô Seoul với 10 triệu dân đông đúc, chật chội hơn bình thường.
Theo Tổng công ty Môi trường Hàn Quốc, khiếu nại về tiếng ồn năm 2020 tăng hơn 60% so với năm 2019. Sự can thiệp của các nhà quản lý và cảnh sát cũng không mấy hữu ích trong việc giảm tiếng ồn hay kêu gọi hàng xóm quan tâm đến nhau hơn. Tức giận, một số người tìm cách trả đũa như Park.
Trên một diễn đàn chuyên về các vấn đề tiếng ồn với hơn 58.000 thành viên, hàng loạt mẹo "trả thù" được gợi ý như dùng súng massage đập trần nhà, đóng sập cửa thật mạnh hoặc phát những âm thanh ma quái qua lỗ thông hơi.
Lim Bo-mi, nhân viên bán hàng cho một công ty nội thất, căng thẳng vì tiếng ồn từ hàng xóm tầng trên đến nỗi phải đeo miếng bịt tai sau 22h mỗi ngày và dùng thuốc ngủ. Do Covid-19, cô gái 30 tuổi bị cắt giảm giờ làm và phải ở nhà nhiều hơn. Lim đã nhờ chủ nhà nói chuyện với hàng xóm nhưng vô ích. "Gia đình đó nói tôi quá nhạy cảm và họ chẳng làm gì sai cả", Lim nói.
Sau tám tháng chịu đựng, Lim mua một chiếc búa cao su để trả đũa mỗi lần nghe tiếng động lớn. Cô cũng phát hiện ra việc để điện thoại rung ngay cạnh tường khiến hàng xóm im lặng. Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ mang tính tạm thời. Lim đang lên kế hoạch hủy hợp đồng và chuyển đi nơi khác.
Yoo, lao động tự do 40 tuổi, cũng dùng búa cao su để trả đũa hàng xóm nhưng tình trạng tiếng ồn từ gia đình phía trên còn tệ hơn. Cuối cùng, anh phải mua một chiếc loa siêu trầm.
Yoo bật những âm thanh mà anh biết hàng xóm sẽ khó chịu, ví dụ như tiếng từ phim khiêu dâm. Chỉ sau một đêm bật loa, những hàng xóm vốn lờ Yoo đi nhiều tháng bất ngờ xuống xin lỗi. Từ đó đến nay, họ giữ im lặng và còn lên kế hoạch chuyển đi nơi khác. Yoo cũng không phải dùng loa thêm lần nào nữa.
"Tất cả là do con người thôi", Yoo nói. "Họ chỉ nghĩ đến bản thân mà không nghĩ đến người khác. Đến lúc nếm trải tiếng ồn, họ sẽ tự nhìn lại và nhận ra mình cư xử thế nào".
Lee Seung-tae là luật sư chuyên về các vấn đề nhà ở, đô thị và từng giải quyết nhiều vụ việc liên quan đến tiếng ồn chung cư. Chính ông cũng từng là nạn nhân của tiềng ồn và phải giải quyết bằng cách chuyển nhà. "Nhà đáng lẽ là nơi nghỉ ngơi, thư giãn nhưng lại trở thành nguồn cơn căng thẳng", Lee bày tỏ.
Seo Byeong-ryang, quản lý tại một trung tâm giải quyết tranh chấp về tiếng ồn lại chọn cách cảm thông. Khi hàng xóm dùng ghế massage lúc nửa đêm, Seo tự nhủ họ đã có một ngày vất vả. Nếu ai đó giã tỏi lúc 7h sáng, ông sẽ nghĩ họ đang rất vội đi đâu đó. Seo cũng hy vọng những hàng xóm sống dưới căn hộ của mình không bực tức vì những tiếng ồn do hai con trai nhỏ của ông gây ra.
"Tôi vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân. Bạn không thể thay đổi tình trạng này khi sống ở chung cư", Seo nói.
Park, nhân viên giao hàng, cảm thấy hàng xóm của mình không đáng được cảm thông. Sau vài năm căng thẳng, anh đã bỏ búa cao su và mua một chiếc loa giá 150 USD để gắn vào trần nhà. Park bật những bài hát với nội dung "không bà mẹ nào muốn con mình nghe thấy". "Đây là một cuộc chiến. Tôi chỉ đang tự vệ thôi", Park phân trần.
Suốt một tháng, Park chỉ bật loa mỗi khi hàng xóm làm ồn. Tuy nhiên, thấy tình hình không khá lên, anh bật loa đủ 24 tiếng. Vài tháng trôi qua, nhà hàng xóm kia chuyển đi.
Thu Nguyệt (Theo Los Angeles Times)