Văn bản này gồm 10 chương, với 38 điều, thay thế Nghị định 59 (ban hành năm 1989) về chế độ nhuận bút đối với tác phẩm chính trị - xã hội, văn hoá - giáo dục, văn học - nghệ thuật, khoa học - kỹ thuật.
Nghị định quy định chế độ nhuận bút với 15 loại tác phẩm, từ tác phẩm viết, bài giảng, bài phát biểu, tác phẩm báo chí, âm nhạc, kiến trúc... đến tác phẩm dịch, phóng tác, cải biên, phần mềm máy tính. Riêng tin tức thời sự thuần tuý không thuộc đối tượng tác phẩm được trả nhuận bút. Người cung cấp tin chỉ được trả thù lao.
Nghị định quy định khá chi tiết về cách tính nhuận bút, khung nhuận bút, tuy nhiên theo các nhà báo có mặt tại buổi công bố Nghị định, việc thực thi Nghị định trong thực tế là rất khó. Các mức giá chỉ có thể áp dụng với những cơ quan sử dụng nguồn ngân sách nhà nước. Còn những cơ quan tự cân đối thu chi, hạch toán độc lập vẫn sẽ căn cứ vào chất lượng, thể loại của tác phẩm để trả thù lao, nhuận bút. Đối với tác giả, có nhiều người tự đặt giá cho tác phẩm của mình mà không căn cứ vào quy định nào.
Giải thích vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa thông tin Trần Chiến Thắng cho biết, nguyên tắc cao nhất để trả nhuận bút chính là sự thoả thuận giữa tác giả và cơ quan sử dụng tác phẩm dựa trên tinh thần Nghị định.
Thanh Nga