Căn hộ của một sĩ quan cấp tá hồi ấy được phân chỉ rộng 50 m2. Còn miếng đất tại Ba Đình, rộng những 60 m2, cấp trên chưa hề có động thái "đòi" và nhiều cán bộ cùng lứa khác cũng "quên". Nhưng với nhiều cán bộ ngày ấy, căn nhà tập thể đã là lý tưởng.
Vài năm gần đây, khi 2 anh con trai phương trưởng và lập gia đình, cái không gian sống lý tưởng kia trở nên chật chội. Dù có cơi nới thì căn hộ tập thể đó không thể chứa nổi 3 gia đình. Hỏi ông có tiếc mảnh đất ở quận Ba Đình không, ông chỉ cười: "Tiêu chuẩn mình đến đâu thì nhận đến đó". Hai anh con trai không nói gì nhưng tôi biết, họ cũng tiếc mảnh đất tại Ba Đình. Mảnh đất đó theo thời giá hiện tại gấp 3 lần căn hộ tập thể mà gia đình đang ở.
Thời bao cấp, việc như vậy không có gì lạ. Ở công ty xây dựng nơi bố tôi làm việc có cán bộ cấp Giám đốc trả lại đất mặt phố để lên nhà tập thể. Nhà tập thể là biểu tượng của lối sống mới và chưa ai nghĩ đến việc tích lũy đất đai. Cũng có thể cuộc sống bao cấp khiến nhu cầu sở hữu nhiều bất động sản không có cớ xuất hiện.
Đó là chuyện ngày xửa ngày xưa. Ngày nay thì tôi cũng như nhiều độc giả đã đọc trên báo chí mấy ngày qua: Bộ Xây dựng điểm danh 12 cựu quan chức không chịu trả nhà sau khi nghỉ hưu. Nhà công vụ này là nhà chung cư tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tiêu chuẩn của họ khi đương chức là nhà công vụ diện tích khoảng 100 - 115 m2, có trang bị nội thất nhưng người sử dụng phải trả phí dịch vụ, tiền điện nước. Giá thuê là 1,8 triệu đồng/tháng, nguyên Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam trả lời VnExpress.
12 cựu quan chức này phần lớn là hàm Thứ trưởng, Tổng cục trưởng với mức phụ cấp công vụ 1,25 - 1,3 và là những cán bộ được luân chuyển từ địa phương lên Trung ương làm việc. Lỗi của họ là chưa trả nhà dù có người nêu lý do chưa nhận được văn bản "đòi nhà", có người nói đã xin hoãn trả nhà để hoàn thiện nhà mới. Trong thời buổi tràn ngập thông tin về nCoV, scandal nho nhỏ này quả hút dư luận. Họ mắc tội "tham" theo cách nhìn của nhiều người và tình tiết tăng nặng là làm quan chức mà còn tham. Mạng xã hội mấy hôm nay ngập những chia sẻ mỉa mai, thậm chí cay nghiệt.
Nhưng chửi họ thì quá dễ. Tôi chỉ băn khoăn tại sao những quan chức này lại "tham" một căn chung cư thuê mà giá mua chỉ khoảng 3 tỷ đồng/căn – vốn là một thứ tài sản mà nhiều gia đình trẻ làm việc ở khối tư nhân cũng có thể cáng đáng được? Tính thử thì thu nhập của cán bộ cấp Thứ trưởng gồm: Lương, phụ cấp chức vụ, phụ cấp trách nhiệm theo nghề, phụ cấp công vụ. Nếu các vị cấp Thứ trưởng này có lương kịch khung bậc 6 chuyên viên cao cấp (A3.1) = 8,0 thì mức lương hằng tháng (tính ở thời điểm hiện tại) vào khoảng 15,5 triệu đồng. Nếu trừ các chi phí ăn ở tròn 5,5 triệu đồng/tháng (bao gồm cả tiền thuê nhà công vụ), mỗi cán bộ còn 10 triệu đồng. Nếu mua căn hộ giá 3 tỷ đồng thì các vị Thứ trưởng phải mất khoảng 25 năm tích góp. Đó là họ không phải tốn tiền xăng xe đi lại do có tiêu chuẩn xe đưa đón từ nhà đến nơi làm việc.
Ai cũng muốn có một nơi ở riêng, sự kiện đã được đóng khung thành một trong ba việc trọng đại trong đời con người. Vậy nên, bố mẹ tôi đã rất xúc động khi cuối năm ngoái, con trai ông bà ở tuổi 44, sau hơn hai mươi năm ăn lương ngạch bậc đã mua được một căn chung cư cũ giá 1,7 tỷ đồng. Ông bà cũng không biết tôi vẫn đang nợ khoảng gần 1 tỷ mua căn nhà này.
Chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 (ban hành năm 2011) có đề ra nhiều mục tiêu cụ thể đối với từng mốc thời gian cũng như những nhiệm vụ giải pháp kèm theo đối với từng loại đối tượng như hộ nghèo, cán bộ công chức, người lao động... Nhưng có lẽ đến nay, chỉ tiêu có vẻ thành công nhất là số m2 xây dựng. Ngày càng có nhiều khu chung cư được xây dựng, một vài khu ở nội thành còn thì tại những khu vực vốn mới thành quận. Cứ thử đi xe từ phố xuôi ra đường Tố Hữu, các bạn sẽ thấy bạt ngàn nhà chung cư và không khỏi dấy lên niềm lạc quan về một nơi an cư. Nhưng ngay cả một khu đô thị cách trung tâm Hà Nội 14 km thì giá rẻ nhất là 1,6 tỷ đồng cho căn hộ hơn 70 m2. Vậy là với mức lương Thứ trưởng thì cũng phải tằn tiện hơn 13 năm mới trả nợ xong tiền mua căn chung cư này.
Quay trở lại những vị quan chức bị Bộ Xây dựng "đòi" nhà kể trên, có thể bạn đọc sẽ cho rằng tôi đang bênh họ. Tôi không đủ dữ liệu để nói rằng họ khó khăn thật sự hay tham. Nhưng một chính sách hợp lý thấu tình phải là Nhà nước, như bất kỳ một tổ chức nào, cho người lao động của họ một cuộc sống đầy đủ sau thời gian cống hiến, trong đó có sở hữu một chỗ ở, chứ không phải cho mượn rồi đến khi về hưu lại đòi.
Cơ sở tồn tại của "nhà công vụ" là gì? Nếu có biệt thự phố lớn cho cán bộ cao cấp thì coi là "đãi ngộ", còn mấy căn chung cư như thể một lời thừa nhận gián tiếp rằng lương của họ không thể nào cáng đáng nổi chỗ ở tại thủ đô. Khi đồng lương được thừa nhận không chính thức rằng nó sẽ không thể giải quyết chỗ ở cho người ta, thì "tham nhà công vụ" chỉ là một cái tham nhỏ. Sẽ có rất nhiều hệ quả từ cái đồng lương hình thức ấy.
Nhà công vụ còn hàm chứa một sự bất công: nếu như lương công chức không thể lo được chỗ ở, thì những chuyên viên về Hà Nội sao không được hỗ trợ nhà? Tại sao thứ trưởng thì cần hỗ trợ còn công chức khác thì phải tự đi mà mua/thuê?
Mấy cái chung cư kia không phải là hỗ trợ công chức; cũng không phải là biệt đãi lãnh đạo. Nó chỉ là một ý tưởng rơi rớt đâu đó từ thời bao cấp và đến nay đã biến dạng.
Nếu có một chính sách tiền lương, cho vay phù hợp, nhà nước không còn phải bận tâm đến việc xây nhà công vụ, quản lý thậm chí tìm trăm phương ngàn kế để đòi lại nhà. Đấy là điều mà rất nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn đã làm với lao động của họ: cho vay mua nhà. Mua, vì đồng lương của anh nếu cống hiến sẽ đủ để mua. Chứ chẳng doanh nghiệp nào đi hứa với người lao động rằng sẽ hỗ trợ thuê nhà đến lúc nghỉ hưu cả. Trong lời hứa kiểu đó đã đầy triển vọng về những tiêu cực.
Vai trò của nhà nước là giúp những người lao động, những người làm công có thể mua được nhà, có thể có tổ ấm từ sức lao động chứ không phải "được thuê nhà giá rẻ" từ cái hàm mà họ mang.
Trần Anh Tú