Sau bài viết "Bí thư Đà Nẵng: 'Đã đến lúc xem lại việc cử nhân tài đi học'", VnExpress nhận được nhiều ý kiến của độc giả về Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của TP Đà Nẵng.
Cơ sở nào để định vị 'nhân tài'?
Nhiều độc giả đặt vấn đề thế nào mới được gọi là người tài: "Họ đã làm được gì để được phong là nhân tài?", độc giả Ha Vu đặt câu hỏi.
Đồng quan điểm, độc giả Mr. Châu: "Tại sao phải đi 'đào tạo nhân tài' nhỉ? Tại sao phải gọi mặc định họ là 'người tài'? Theo tôi, người tài phải là người tạo ra kết quả vượt trội trong quá trình lao động, đó là cơ sở để mọi người gọi đó là người tài".
"Đừng bao giờ nghĩ nhân tài là những cô cậu sinh viên mới ra trường với con điểm và tấm bằng xuất sắc. Nhân tài hay không phải kinh qua công việc ít nhất 10 năm mới biết được. Lúc đó hãy thu hút những người này. Vấn đề này giống như các trường đại học dạy về thi công cầu đường nhà cửa mà giảng viên là những người dạy vừa ra trường, chưa một ngày ra công trường", độc giả pham hung.
Trong khi đó độc giả Vũ Phạm nêu: "Cần xem lại ngành học khi cử đi, hãy tập trung vào các ngành lĩnh vực công cần như quy hoạch, quản trị nhân sự, kiến trúc, môi trường. Những chuyên ngành như quản trị kinh doanh, tài chính hãy để cho nguồn lực tư nhân và người dân đầu tư, vì nó sẽ phát tiết hơn khi làm doanh nghiệp ngoài quốc doanh".
'Đâu thiếu người tài mà phải lo đào tạo'
Nhiều độc giả cho rằng nhân tài có sẵn trong xã hội rất nhiều, chỉ cần có cơ chế tuyển dụng tốt, trả lương xứng đáng và hậu đãi hậu hĩnh thì họ sẽ tự tìm đến, thay vì phải bỏ số tiền lớn để đào tạo nhân tài:
"Nhân tài không thiếu đâu mà phải lo đi đào tạo, họ có rất nhiều không chỉ ở Đà Nẵng mà khắp Việt Nam sẽ về Đà Nẵng nếu chế độ lương bổng và hậu đãi tốt"- Độc giả luong tam.
Độc giả Hoangthe: "Mình nói thật nếu là nhân tài chẳng cần phải đi học. Ai muốn học sẽ tự học, người tài sẽ tự biết cập nhật kiến thức. Người bình thường có cử đi học thì về cũng vậy thôi, chỗ mình làm rất nhiều người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, thậm chí có người đi học nước ngoài về mà làm việc chẳng ra sao".
"Nhân tài trong xã hội rất nhiều, không cần phải bỏ chi phí cho đi học bởi vì chỉ có những người có chí tiến thủ mới có sự tận tình trong công việc, mới quý trọng chi phí mà mình đã bỏ ra, còn thành phố cho đi học chưa chắc đã hiệu quả. Trong các liên danh nước ngoài, hoặc người giỏi đã làm danh nghiệp tư nhân đều có thể làm trong bộ máy TP Đà Nẵng rất tốt, vấn đề là lương bao nhiêu", độc giả có nickname xuanlơi7672.
Trả lương xứng đáng, không lo thiếu người tài
"Theo mình, thay vì bỏ tiền ra đào tạo thì dùng tiền đó trả lương cao để tuyển người tài sẵn có còn thiết thực hơn", độc giả có nick Sadman đồng quan điểm.
Độc giả có nick Sua Dau Nanh nêu hai phương án:
1. Đăng tuyển rõ ràng, công khai chức danh cần tuyển kèm chế độ đãi ngộ. (Nên mở rộng với Việt kiều, người nước ngoài, ... để thu hút nhân tài).
2. Tổ chức thi minh bạch, công bố kết quả.
Vừa không mất tiền đào tạo, vừa chọn được ứng viên như ý.
"Nếu có thể thì vừa quan tâm tới đào tạo vừa chú trọng sử dụng và đãi ngộ thu hút nhân tài thì tuyệt vời"- độc giả có nick hoangthangvd65 đúc kết.
>> Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.