Tiến sĩ Matsumi Suzuki, người thường xuyên sử dụng kỹ năng của mình để hỗ trợ các cuộc điều tra tội phạm, đã đo đạc khuôn mặt và bàn tay của người đẹp trong bức chân dung nổi tiếng vào thế kỷ 16 của danh hoạ Leonardo da Vinci. Ông đã tìm ra được chiều cao của nàng là 1m68 và từ đó tạo ra mô hình hộp sọ. "Khi đã có được hộp sọ, chúng tôi tạo ra giọng nói tương tự với giọng nói thật của nàng", Suzuki phát biểu. "Chúng tôi đã tái tạo giọng nói của rất nhiều người nổi tiếng mà rất khớp với giọng nói thực và đã được sử dụng để lồng tiếng". Biểu đồ giọng nói của mỗi người là rất riêng biệt và Suzuki tin rằng ông đã đạt tới độ chính xác 90% trong việc tạo ra giọng nói của người phụ nữ bí ẩn. "Tôi là Mona Lisa. Danh tính của tôi vẫn còn chìm trong bức màn bí ẩn", bức hoạ tuyên bố trên website: promotion.msn.co.jp/davinci/voice.htm "Ở Mona Lisa, phần dưới khuôn mặt của nàng khá rộng và cằm thì nhọn", Suzuki giải thích. "Khoảng trống rộng đồng nghĩa với giọng nói tương đối trầm, trong khi cằm nhọn tạo thêm chút cao độ". Các nhà khoa học cũng bổ sung một chút ngữ điệu của tiếng Italy cho giọng nói. "Chúng tôi đã thử cho nàng nói tiếng Nhật nhưng không phù hợp với khuôn mặt". Các chuyên gia từ lâu vẫn tranh cãi ai là người trong bức tranh, một số nói rằng đó chính là hiện thân của Leonardo, người khác lại nói đó là mẹ của hoạ sĩ. Nhóm cũng đã tái tạo giọng nói của Leonardo nhằm trùng với ngày trình chiếu bộ phim The Da Vinci Code. Suzuki cho biết ông ít tự tin hơn về độ chính xác của giọng nói này bởi hình ảnh hoạ sĩ trong bức chân dung tự hoạ mang râu rậm, làm che mất khuôn mặt của ông. M.T. (theo Reuters) |