Ông Quách Tuấn Ngọc: "Đăng ký tuyển sinh ngay tại trường cấp III, có xác nhận của giáo viên chủ nhiệm là phương án đảm bảo tính pháp lý cao nhất". Ảnh: Sơn Hải. |
Hầu hết đại diện các đơn vị tham gia hội nghị nhất trí với đánh giá của ông Long, công tác tuyển sinh năm 2002 đạt được nhiều thắng lợi nhờ cách thực hiện "3 chung", song lại nảy sinh các vấn đề như: số liệu ảo, sai sót kỹ thuật, rắc rối trong xử lý hồ sơ... Những trục trặc của khâu xét tuyển phát sinh do phần mềm tuyển sinh chưa được chuẩn hóa (một số nơi truyền dữ liệu không đúng ngày, không kiểm tra dữ liệu trước khi xử lý và gửi đi, nên độ tin cậy của dữ liệu không đảm bảo, chuyên viên chưa đủ trình độ…).
Ngoài ra, sự lúng túng trong chủ trương, hướng dẫn xét tuyển từ Bộ GD&ĐT đã gây khó khăn cho cả nhà trường và thí sinh. Các ý kiến đều cho rằng nên để các trường tự tổ chức tuyển sinh. Ông Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng Đại học dân lập Phương Đông, khẳng định: “Nên để tuyển sinh được tiến hành như một khâu đào tạo riêng của từng trường, tôn trọng quyền tự quyết. Bộ không nên ôm đồm hết mọi việc, dẫn đến tình trạng quá sức mà vẫn bị dư luận công kích”.
Một số đơn vị đào tạo khẳng định, việc xét tuyển sẽ đơn giản hơn nhiều và hoàn toàn đảm đương được nếu được chủ động như mọi năm. Thêm nữa, mỗi trường lại có đặc thù và nhu cầu đào tạo riêng đối với thí sinh, vì thế, Bộ không nên can thiệp vào. Ông Nguyễn An Ninh, Hiệu trưởng ĐH Đà Lạt kiến nghị: “Ở các nước khác, cơ chế tách riêng khâu thi và xét tuyển đã được tiến hành từ nhiều năm nay. Chúng ta không nên đi ngược lại làm cho vấn đề phức tạp thêm. Cách tốt nhất là Bộ chủ trì, tổ chức một kỳ thi chung để lấy điểm mặt bằng. Sau đó các trường tự lấy điểm chuẩn, định tỷ lệ xét tuyển... theo đòi hỏi thực tế”.
Đối với các thí sinh, các đại biểu cho rằng, đăng ký dự thi theo 3 nguyện vọng là quá nhiều, dễ có số liệu trùng hợp, khó tách bóc hồ sơ; nhưng với 1 nguyện vọng thì thiệt thòi cho người dự thi. Phương án mỗi thí sinh được đăng ký 2 nguyện vọng tỏ ra thuyết phục. Một số người kiến nghị chi tiết hơn: nguyện vọng 1 sẽ nhằm vào trường có tổ chức thi, nguyện vọng 2 là trường xét tuyển, có thể có nguyện vọng bổ sung trong những trường hợp thật cần thiết. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Mạo, Phó phòng Đào tạo ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc Gia Hà Nội, cho hay trong đợt tuyển sinh vừa qua, trường này không có trường hợp nào bị nhầm lẫn. Vì vậy, vấn đề là ở khâu xử lý hồ sơ chứ không phải việc chọn trường thi hay xét tuyển. Ông nhấn mạnh: "Các học sinh phải được lựa chọn tự do đối với cả 2 nguyện vọng". Hội nghị đã nhất trí tiếp tục xem xét vấn đề này để có phương pháp giải quyết gọn gàng nhất.
Liên quan đến việc đăng ký tuyển sinh, ông Quách Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin, đưa ra giải pháp cho thí sinh đăng ký dự thi trên máy tính ngay tại trường cấp III. Đề xuất được nhiều đại biểu đánh giá hay vì theo giải trình của ông Ngọc: “Chi phí đăng ký dự thi sẽ giảm đáng kể vì hầu hết các trường phổ thông đều có khả năng trang bị máy tính nối mạng. Bên cạnh đó, việc quản lý, tách bóc dữ liệu hoàn toàn do công nghệ đảm nhiệm, tiết kiệm nhiều thời gian và công sức”. Ông cũng đảm bảo việc xây dựng phần mềm này có tính khả thi cao.
Việc sử dụng đề thi trắc nghiệm trong năm tới cũng được hội nghị bàn bạc kỹ lưỡng. Phó hiệu trưởng trường PTTH chuyên Nguyễn Huệ, Hà Tây, bà Đặng Xuân Bình, đánh giá: “Thi trắc nghiệm khách quan là phương pháp khoa học và tiến bộ nhưng vận dụng ngay trong 2003 thì rất khó khăn vì học sinh chưa được tập dượt. Nên thử nghiệm dần qua các kỳ thi học kỳ tại trường phổ thông và đến 2004 mới áp dụng cho thi đại học”. Còn ông Nguyễn An Ninh lại nhìn nhận, lẽ ra phải đặt vấn đề thi trắc nghiệm từ lâu; bây giờ mới bàn mà định áp dụng ngay thì không thể kịp. Việc thí sinh chưa quen với cách thi này không đáng lo ngại bằng ngân hàng đề thi chưa đủ cả về số lượng lẫn chất lượng. Hơn nữa, xây dựng chương trình kỹ thuật cho bộ đề trắc nghiệm trong bối cảnh hiện giờ là đòi hỏi quá cấp bách. Ông nói: “Cần phải chuẩn bị từng bước thật cẩn trọng, nếu làm không được sẽ đổ vỡ cả một ý tưởng hay”. Do đó, đợt thi đại học 2003, có thể sẽ chỉ tiến hành thí điểm phương pháp này ở một số nơi, mà ĐH Quốc gia Hà Nội và TP HCM đã tự nguyện đi tiên phong.
Cũng trong buổi họp, đại diện 14 trường đại học, 7 trường cao đẳng, 5 sở GD&ĐT (Thái Nguyên, Hà Tây, Nghệ An, Hà Nội, Hòa Bình) và một số trường phổ thông trung học đã bàn về một số vấn đề khác xung quanh việc tuyển sinh như: bỏ hay không việc tuyển thẳng vào đại học những học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế; xây dựng lại khung điểm cho các đối tượng ưu tiên; cân đối đào tạo nhân lực theo vùng miền và ngành học thiết thực; đảm bảo công bằng xã hội (thí sinh có điểm cao thì đỗ); tổ chức các đợt thi để giảm số thí sinh dự thi đồng thời vào 2 trường... Vụ trưởng Vụ đại học Bành Tiến Long cho biết, sẽ nghiên cứu, xây dựng phần mềm kỹ thuật hoàn chỉnh hơn cho năm tới. Trước mắt, chưa thực hiện thi trắc nghiệm trong năm 2003 vì chưa chuẩn bị kịp ngân hàng câu hỏi và kỹ thuật; thí sinh một số khu vực chưa quen. Đồng thời, sẽ kiến nghị Bộ nhanh chóng thành lập Trung tâm khảo thí để bắt đầu thực hiện từ 2004, 2005. Việc đăng ký tuyển sinh trên máy tính tại các trường trung học sẽ được thực hiện ngay tại những nơi có điều kiện.
Kết luận cuối cùng cho công tác tuyển sinh 2003 sẽ được đưa ra tại Hội nghị tuyển sinh, dự kiến tổ chức cuối tháng 11, đầu tháng 12.
Mai Hương