![]() |
Hệ thống sông Hồng. |
Ông Nguyễn Văn Cách (Sơn Tây, Hà Tây) đã đưa ra ý tưởng này với mong muốn có thể trị thủy sông Hồng - nỗi lo lắng thường niên của người dân đồng bắc Bắc Bộ. Theo phân tích của ông, nhìn vào bản đồ sông ở đồng bằng Bắc Bộ, có thể thấy hai hệ thống sông chính:
- Hệ thống sông Thái Bình (nằm ở phía trái sông Hồng), bao gồm 3 nhánh chính: sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam. Ba con sông này hợp lưu ở Phả Lại, rồi sau đó tách thành ba nhánh sông Thái Bình, sông Kinh Thầy, sông Cấm đổ ra biển. Hệ thống chủ yếu thoát nước cho phía đông Bắc Bộ.
- Hệ thống sông Hồng gồm 3 nhánh chính: sông Đà, sông Lô, sông Thao hợp lưu ở Việt Trì, đổ ra sông Hồng. Hệ thống này thoát nước cho phía bắc, tây bắc Bắc Bộ và tây nam Trung Quốc.
Trước đây, sông Hồng chảy đến Hát Môn (Phúc Thọ - Hà Tây) thì rẽ một nhánh qua Phùng (Đan Phượng - Hà Tây) tạo thành sông Đáy, chảy qua các tỉnh Hà Tây, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, rồi đổ ra biển ở cửa Đáy. Con sông này dài khoảng 250 km.
Sông Hồng chảy đến Liên Mạc (giáp ranh giữa Hoài Đức, Hà Tây và Từ Liêm, Hà Nội) lại rẽ thêm một nhánh nữa là sông Nhuệ, chảy qua Hà Tây. Sông Nhuệ chảy đến huyện Duy Tiên (Hà Nam) thì nhập với sông Châu từ Phủ Lý ra, sau đó rẽ làm hai nhánh chính: một đổ thẳng ra hạ lưu sông Hồng ở Mạc Thượng (đầu huyện Duy Tiên), một chảy bao phía tây huyện Lý Nhân rồi cũng đổ ra sông Hồng ở Hữu Bị (cuối huyện Lý Nhân). Hệ thống sông Nhuệ - Châu dài gần 200 km.
Trước đây, sông Nhuệ - Châu, sông Đáy cùng sông Hồng làm nhiệm vụ thoát lũ cho toàn khu vực. Ngoài ra, chúng còn cung cấp phù sa cho bốn tỉnh và thành phố Hà Nội, đồng thời tạo thuận lợi cho giao thông thủy toàn bộ khu vực mạn phải sông Hồng. Theo lịch sử, ngay cả sông Tô Lịch trong Hà Nội trước kia cũng rất sầm uất, trên bến dưới thuyền, thông thương với các nơi trong nước.
Đầu thế kỷ trước, cùng với việc lấp sông và bịt một số cửa sông của Hà Nội, người Pháp đã ngăn ngọn sông Đáy, ngọn sông Nhuệ và đắp đê bịt luôn cửa sông Châu ở Mạc Thượng và Hữu Bị. Người dân gọi hai điểm này là “tắc giang”.
Cũng ở thời điểm đó, người Pháp cho đắp đê sông Hồng (cả đê sông Đuống, Luộc, Thái Bình…) rộng chân hơn, cơ đê cao gấp đôi và nâng lên khoảng 2 mét để chịu thêm phần lũ của sông Đáy và sông Nhuệ. Đề phòng khi lũ quá lớn, đe dọa tới hệ thống đê này, người ta đã cho làm cống Phùng để khi cần thì tháo nước sông Hồng vào sông Đáy. Cống Phùng được thực hiện đóng mở theo nguyên tắc vận dụng định luật Acsimet. Tuy nhiên suốt thời Pháp đô hộ, cống này vẫn chưa được mở lần nào.
Những năm sau đó, lũ lớn, kể cả lần vỡ đê năm 1971, cống Phùng vẫn không hoạt động. Sau năm 1971, cống Phùng được làm lại theo nguyên tắc đóng mở khác, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa được mở lần nào để thoát lũ. Như vậy sông Đáy, một dòng sông thoát lũ song song với sông Hồng, đã bị đóng chặt gần một thế kỷ nay. Nó trở thành một cái “ao” dài gần 250 km. Hiện nay, sông Đáy chỉ làm nhiệm vụ tiêu nước mưa là chính, đến Ninh Bình nó mới nhận được nước sông Hoàng Long và sông Bôi.
Điều này đã làm cho hệ thống đê các sông Hồng, Đuống, Luộc, Thái Bình phải gồng mình chịu lũ. Trong khi Nhà nước vẫn phải bỏ ra nhiều công của để nuôi cả một công ty vận hành cống Phùng, củng cố đê Đáy và chuẩn bị phương án di dân phòng chống lũ. Mặt khác, cũng vì sông Đáy bị bịt lại nên giao thông đường thủy trong khu vực kém phát triển, không phục vụ phát triển kinh tế, nhất là tới đây, khi các khu công nghiệp hình thành, nhu cầu này sẽ ngày càng lớn.
Với hệ thống sông Nhuệ - Châu, cống Liên Mạc cũng đã biến chúng thành hệ thống thủy nông. Cùng với hệ thống sông trong lòng Hà Nội, sông Nhuệ - Châu đang trở thành ao tù hôi thối, ô nhiễm nặng. Có đoạn sông Nhuệ đã biến thành ao rau muống dài tới 3-4 km. Với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, chẳng bao lâu nữa nhiều đoạn sông này sẽ rơi vào tình trạng như sông Tô Lịch.
Vì những lý do trên, ông Cách đề nghị trả lại cho hai dòng sông chức năng vốn có của chúng, thông qua các biện pháp sau:
- Phá bỏ hai hệ thống cống Phùng và Ba Xuân, đưa nước thẳng vào sông Đáy như trước kia.
- Với sông Nhuệ có thể thực hiện một trong hai phương án:
1, Phương án triệt để nhất là phá cống Liên Mạc và hai điểm “tắc giang” Mạc Thượng, Hữu Bị. Phá các đập Vĩnh Trụ, Quan Trung, Phúc Châu ở huyện Lý Nhân, thay bằng cầu.
2, Để lại cống Liên Mạc, làm hai cống Mạc Thượng, Hữu Bị, nhưng thay đổi chế độ đóng mở. Giữ lại ba đập Vĩnh Trụ, Quan Trung, Phúc Châu kể trên.
- Củng cố lại hệ thống đê cũ của hai dòng sông Đáy và Nhuệ - Châu (hiện nay vẫn còn gần như nguyên vẹn, nhất là đê sông Đáy).
- Nạo vét những chỗ quá nông trên hai dòng sông.
- Làm cầu Phùng và nâng cao các cầu trên sông Đáy để thông tàu, thuyền cho giao thông thủy.
Ông Cách cho biết, nếu thực hiện được các biện pháp trên (theo phương án phá cống Liên Mạc), thì lợi ích là rất to lớn:
1. Có thể hạ thấp đỉnh lũ của sông Hồng (và các sông liên quan) từ 1 đến 1,5 mét. Sau này, kết hợp với sự điều tiết của hồ thủy điện Sơn La, chắc chắn mức lũ trên các sông sẽ dưới mức báo động số 2. Hệ thống sông ở Bắc Bộ sẽ hiền hòa hơn.
2. Giao thông đường thủy trong khu vực với cả nước sẽ thuận lợi hơn nhiều, đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế. Đồng thời, tạo điều kiện cho du lịch đường sông phát triển.
3. Giải quyết tốt vấn đề môi trường, kể cả cho thành phố Hà Nội và các đô thị tương lai trong vùng (như việc dùng chính nước sông mới để làm sạch các hào rãnh Kim Ngưu, Lừ, Sét hiện đang bị ô nhiễm nặng).
Tuy nhiên, cũng theo phương án phá bỏ cống Liên Mạc, việc đảm bảo an toàn cho Hà Nội theo hướng tây sẽ khó khăn và rất tốn kém. Còn nếu thực hiện theo phương án để lại cống Liên Mạc thì sẽ hạn chế bớt một phần các tác dụng trên. Khi đó, các cống Liên Mạc, Mạc Thượng, Hữu Bị thường xuyên phải mở. Chúng chỉ được đóng khi cần thiết.
(Theo Khoa Học và Đời Sống)