- Bà vừa thực hiện triển lãm tranh lần hai tại TP HCM. Nhiều nghệ sĩ đồng trang lứa vẫn đóng phim, vì sao bà lại chuyên tâm cho hội họa?
- Tôi rất vui và hạnh phúc khi bạn bè mình vẫn hoạt động nghệ thuật. Sau khi tham gia bộ phim Dòng sông hoa trắng (1989), tôi chờ đợi những vai diễn thích hợp với mình nhưng mãi mà không có nhân vật hay kịch bản nào như vậy. Đầu thập niên 1990, đất nước bước vào thời kỳ kinh tế thị trường, một loạt phim "mỳ ăn liền" ra đời. Tôi chỉ nhận đóng phim khi gặp được một kịch bản hay, một nhân vật hay khiến tôi khao khát được nhập vai và sáng tạo.
Chờ đợi mòn mỏi rồi tôi tính chuyển qua làm đạo diễn. Tôi đã gặp được một kịch bản hay, định bắt tay vào sản xuất thì vì một lý do khách quan nên phải dừng lại. Trong thời gian rảnh, tôi theo một người bạn lớn tuổi đi học vẽ. Lúc đầu, tôi quan niệm vẽ chỉ là để giết thời gian. Nhưng sau khi chồng mất, tôi tìm đến hội họa như một cách quên đi sự đau buồn. Con gái Bích Trà khi đó động viên tôi: "Mẹ hãy vẽ như con hàng ngày tập đàn vậy". Từ đó, tôi dành toàn bộ thời gian trong ngày để vẽ. Từ chỗ chỉ muốn giết thời gian, dần dần tôi đam mê thực sự.
- NSƯT Đoàn Dũng cho rằng tranh của Trà Giang là phản đề của nỗi cô đơn, bà nghĩ sao?
- Anh Đoàn Dũng phải rất hiểu tôi nên mới nói vậy. Trong đời có hai giai đoạn mà tôi thấy mình hụt hẫng, hoang mang nhất. Lần thứ nhất là vào năm 48 tuổi, khi tôi đóng xong phim Dòng sông hoa trắng. Từ đó, tôi chưa xuất hiện trở lại lần nào với điện ảnh. Tôi ngỡ ngàng không dám tin rằng sau hơn 30 năm gắn bó với phim ảnh, tôi lại dừng sự nghiệp ở tuổi 48.
Lần thứ hai là khi chồng tôi mất. Anh ra đi quá đột ngột vì căn bệnh ung thư quái ác. Con gái lại sống ở nước ngoài, hàng ngày tôi biết chuyện trò, bấu víu vào ai cho hết một ngày. Cả ba điều quan trọng nhất với tôi là đóng phim, chồng và con gái đều không ở gần, tôi không nắm bắt được. Cả hai lần tôi đều cảm giác mình mất đi một điểm tựa. Thời gian đó, tôi đã một mình ngày qua ngày đối diện với nỗi cô đơn mà không cách nào thoát ra. Nhiều người già khi về hưu bị trầm cảm vì hụt hẫng, vì không quen với cuộc sống mới. Tôi còn hụt hẫng hơn họ vì mọi thứ thay đổi trong chớp mắt.
Tôi không muốn tâm trạng của mình ảnh hưởng đến người khác nên cố nén lại bên trong. Tôi dồn hết sinh lực, cảm xúc vào tranh. Tôi thường chuyển tải cảm xúc của mình qua màu sắc. Anh Đoàn Dũng từng nói tranh tôi dù thế nào cũng phảng phất một gam màu tím. Sự thật đúng là vậy. Với tôi, màu tím gợi cảm xúc buồn nhưng không bi lụy mà dịu nhẹ và mang cảm giác yên bình. Nó phản ánh đúng những xáo trộn cảm xúc trong tôi ở thời điểm chỉ còn lại một mình trong ngôi nhà của hai vợ chồng.
- Tình cảm của bà dành cho người thân thể hiện ra sao trong những bức tranh?
- Người ruột thịt hay những người mà tôi yêu quý, những vùng đất tôi từng gắn bó đều được tôi tái hiện trong tranh. Như bức Giọt sương trên lá đỏ là tôi dành để nói về Bích Trà. Khi sang thăm con gái, đứng trên cửa sổ nhìn con đi khuất bóng, tôi bỗng trào dâng cảm xúc và muốn ghi lại khoảnh khắc đó. Tôi không vẽ con mà ghi lại hình ảnh những giọt sương đọng trên những cành lá đỏ mọc ngay dưới cửa sổ nơi tôi đứng, nhìn theo dáng con đi làm mỗi ngày. Hoặc tôi đứng từ trên cao nhìn xuống để vẽ khu nhà con gái tôi ở. Đó là cách để tôi được thấy người thân luôn hiện diện bên mình qua mỗi bức tranh.
Tôi cũng thường vẽ phong cảnh và sinh hoạt của con người ở những nơi tôi đã đến để đóng phim. Tôi làm vậy vừa để cảm ơn vùng đất đó đã cho tôi cảm xúc, chất liệu để nhập vai, vừa để giúp mình sống lại không khí những tháng ngày nhiệt huyết cùng đồng nghiệp trên phim trường.
- Trong hơn 20 năm theo đuổi hội họa, bà dành tình cảm thế nào cho điện ảnh?
- Lúc nào tôi cũng đau đáu nhớ nghề. 17 tuổi, tôi đã bắt đầu học diễn xuất... Mỗi vai diễn như chị Tư Hậu (phim Chị Tư Hậu), Dịu (phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm)... đều để lại ấn tượng sâu sắc với tôi. Tôi cất giữ chúng như những vùng ký ức thiêng liêng của riêng mình và gửi gắm nỗi nhớ đó trong mỗi bức tranh.
Nhiều khi tôi tự hỏi không hiểu sao khán giả bây giờ vẫn còn nhiều người thích những bộ phim thời chúng tôi đóng. Tất nhiên không phải phim nào cũng hay nhưng ít nhất chúng cũng phản ánh chân thực cuộc sống nên khán giả rung động. Tôi nhớ khi làm phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, biên kịch của phim đã phải đạp xe từ Hà Nội vào Quảng Trị trong điều kiện chiến tranh để lấy tư liệu hoàn thành kịch bản. Chúng tôi đã sống và làm việc như chính những người dân đang chịu nỗi đau chia cắt trong chiến tranh, để chuyển tải đến khán giả những hình ảnh chân thực trên phim. Giờ các bạn trẻ có phương tiện, thiết bị làm phim hiện đại hơn rất nhiều. Chỉ cần các bạn chú trọng chữ "tâm" một chút là sẽ có những tác phẩm để lại dấu ấn trong lòng khán giả. Chữ "tâm" ở đây tôi muốn nói đến sự trải nghiệm và dấn thân để có những tác phẩm chân thực làm lay động khán giả.
Nếu có một vai diễn hay, tôi lúc nào cũng sẵn sàng trở lại với điện ảnh, làm việc bằng tất cả nỗ lực và tâm huyết.
- Sống một mình ở tuổi ngoài 60, ngoài hội họa, bà còn tìm niềm vui từ đâu?
- Từ khi vẽ tranh, tôi không thấy cuộc sống của mình buồn nữa. Những năm đầu, tôi làm việc bên giá vẽ cả ngày. Nhiều năm nay, do tuổi tác, tay tôi yếu đi nhiều nên hạn chế vẽ hơn. Tôi vẫn tham gia những sự kiện văn nghệ nếu thấy sự xuất hiện của mình là cần thiết. Ngoài ra, tôi hoạt động trong Hội bảo trợ trẻ em tàn tật TP HCM. Tôi thường trích một phần tiền bán tranh hoặc tặng tranh của mình cho hội bán lấy tiền để lo cho các cháu.
Con gái tôi tâm sự rằng cháu yên tâm và hạnh phúc khi thấy mẹ không bị chìm đắm vào cô đơn và những khoảng trống do hẫng hụt tuổi già mang lại. Bản thân tôi thấy mình vẫn còn "sống vui, sống khỏe, sống có ích".
* Video: Trích đoạn diễn xuất của NSND Trà Giang, Lâm Tới, Thế Anh trong phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" NSND Trà Giang tên thật là Nguyễn Thị Trà Giang, sinh năm 1942 tại Quảng Ngãi. Đóng phim từ năm 20 tuổi, nghệ sĩ đoạt nhiều giải thưởng trong sự nghiệp điện ảnh như vai Huy chương bạc Liên hoan phim Quốc tế Moscow năm 1963 cho vai chị Tư Hậu (phim Chị Tư Hậu), giải "Nữ diễn viên xuất sắc" tại Liên hoan phim Quốc tế Moscow năm 1973 cho vai chị Dịu ( phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm)... Trà Giang góp mặt trong nhiều bộ phim Việt Nam kinh điển như Em bé Hà Nội, Ngày lễ thánh, Mối tình đầu... Bên cạnh điện ảnh, Trà Giang còn thử sức trong lĩnh vực hội họa và đã có triển lãm tranh vào năm 2006 tại TP HCM. Bà từng liên tiếp 7 lần làm thành viên Hội đồng giám khảo cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. |
Châu Mỹ thực hiện