Jandra Sutton luôn cảm thấy may mắn khi bán được ngôi nhà ở ngoại ô Tennessee, chuyển đến căn hộ trong thành phố Nashville, trước khi lãi suất và giá nhà tăng vọt.
Người phụ nữ 34 tuổi nói mình và chồng từng chịu đủ cực khổ khi chọn ra ngoại ô sinh sống năm 2019, thời điểm đại dịch bùng phát. "Quán cà phê gần nhất cũng cách nơi tôi sống 15-20 phút chạy xe. Ở đó không có các tiện ích giải trí và bạn bè cũng từ chối đến chơi vì quá xa. Chúng tôi thực sự bị cô lập", Sutton nói.
Căn hộ 140 m2 của họ không có sân vườn rộng rãi như ngoại ô nhưng gia đình Sutton cảm thấy vui vẻ hơn bởi xung quanh là quán ăn, bar nhạc sống, công viên và nhiều địa điểm tụ tập bạn bè.

Giá bán nhà ngoại ô giảm, giá căn hộ tại các thành phố lớn tăng cao khiến nhiều người từng "bỏ phố về quê" muốn quay trở lại gặp khó. Ảnh minh họa: Johannes Eisele/AFP
Vợ chồng Sutton là một trong số ít người trẻ đủ khả năng quay lại thành phố sau 5 năm bỏ phố về quê vì theo đuổi lối sống DINK (gấp đôi thu nhập, không con cái). Họ không cần một căn nhà có thêm phòng cho con hay phải đóng tiền học phí hàng tháng.
Không nhiều người thuộc Gen Y muốn mua nhà trong thành phố và có con thực hiện điều này, bởi giá bất động sản đang leo thang.
Trong đại dịch, nhiều người Mỹ đổ xô ra vùng ngoại ô tạo ra làm sóng di cư lớn. Họ bày tỏ nguyện vọng sống trong các căn nhà rộng, có sân vườn thay vì bốn bức tường chật hẹp.
Giáo sư Lee Hyojung và các đồng nghiệp tại Trung tâm nghiên cứu nhà ở của Đại học Harvard đã phát hiện nhiều căn hộ ba phòng ngủ tại thành phố ế khách khi phần lớn Gen Y chuyển đến vùng ngoại ô.
"Thật bất ngờ khi Gen Y tìm đến những nơi nhàm chán nhất thế giới và rất ít tiện nghi đô thị", giáo sư Lee nói. Nhưng ông cũng cho biết đây là nhu cầu tạm thời bởi khi đại dịch được kiểm soát, con người có xu hướng nhớ sự nhộn nhịp, tiện nghi của thành phố và tìm mọi cách quay lại.
John Natale, nhà môi giới bất động sản có trụ sở ở Wall Township, New Jersey, Mỹ, nói trước đây có thể dễ dàng tìm một căn nhà trong tầm giá ở các quận trung tâm. Nhưng nay bất động sản ngoại ô mất giá, giá bán và cho thuê trong thành phố tăng tới mức "không tưởng" và lãi suất thế chấp cao kỷ lục khiến nhiều người hối hận.
Rafay Qamar, một đại lý bất động sản ở Chicago, Mỹ, cho biết nhiều khách hàng thuộc Gen Y từng bỏ phố mua nhà ngoại ô đang tìm cách quay lại. Họ nhận ra khu vực này không thể đi mua sắm, vui chơi và bắt đầu bán tháo để về thành phố.
"Trong bối cảnh làm việc từ xa kết thúc, người lao động trở lại văn phòng. Việc phải di chuyển hàng tiếng đồng hồ để đi làm và về nhà khiến nhiều người coi đó là gánh nặng", Rafay nói.
Phân tích công bố năm 2023 cho thấy người mua nhà ở 35 khu vực đô thị lớn nhất nước Mỹ trả nhiều hơn 34% để sống trong các khu dân cư có thể đi bộ đến các điểm cung cấp dịch vụ. Trong khi khách thuê trọ trả thêm 41%.
Trong khi Gen Y đang phân vân nên chọn sống trong căn hộ nhỏ ở thành phố đông đúc hay khu biệt thự vắng vẻ ở ngoại ô, người theo chủ nghĩa đô thị khẳng định mọi khu vực đều có thể đông đúc, đầy đủ tiện nghi nếu pháp luật cho phép và người dân muốn sống ở đó.
Tayana Panova, nhà nghiên cứu đô thị cho rằng Gen Y có thể biến đổi vùng ngoại ô thành các thị trấn hoặc thành phố nhỏ với ý thức cộng đồng mạnh mẽ hơn. Thực tế cho thấy nhiều vùng ngoại ô có người trẻ sinh sống bắt đầu có phòng tập gym, nhà hàng hay cửa hàng thời trang.
Panova cho rằng đây sẽ là một bước tiến cho các cộng đồng ngoại ô khi dân số trẻ phát triển và từng bước đưa chúng thành đô thị mới.
"Nếu chúng ta có thể gieo được những "hạt giống" đô thị và phát triển thành những cộng đồng nhỏ, đây sẽ là cách tuyệt vời để giúp giảm bớt áp lực cho một số thành phố đang quá tải", chuyên gia nói.
Minh Phương (Theo Insider)