Theo mục sổ tay phóng viên của New York Times, thời điểm ông Tập Cận Bình phát biểu tại bữa tối dành cho các doanh nhân, những người phải trả tới 30.000 USD cho một bàn để tham dự, rơi đúng vào Yom Kippur, ngày thiêng liêng nhất trong năm của người Do Thái.
Trong giai đoạn chuẩn bị ban đầu cho chuyến thăm Mỹ của ông Tập, phía Trung Quốc dường như không biết rằng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Do Thái sẽ khó dự sự kiện. Nhưng dần dần, họ bắt đầu hiểu, các nhà tổ chức Mỹ cho biết.
Ngày phát biểu của ông Tập không thay đổi, nhưng thay vào đó, giới chức đạt được đồng thuận. Ông Tập đồng ý bắt đầu phát biểu vào lúc 17h56 ngày 22/9 và kết thúc chỉ 20 phút sau đó, tức 18h16. Việc này sẽ giúp các thành viên người Do Thái trong số khán giả có thời gian để ăn xong và sau đó thực hiện các nghi lễ lúc 19h7, khi mặt trời bắt đầu lặn. Nghi lễ sẽ do một giáo sĩ Do Thái cử hành tại một căn phòng cạnh phòng đại tiệc ở khách sạn Westin.
Henry Kissinger, cựu ngoại trưởng Mỹ, một gương mặt thân quen trong những chuyến thăm Mỹ của các lãnh đạo Trung Quốc, sẽ giới thiệu ông Tập. Tuy nhiên, không phải ai được mời cũng nhận lời. Hai người trong giới doanh nhân ủng hộ mạnh mẽ Trung Quốc là Lloyd C. Blankfein, Giám đốc Điều hành của Goldman Sachs và Maurice R. Greenberg, cựu giám đốc điều hành tập đoàn American International Group, sẽ không có mặt. Sự vắng mặt của họ đang gây xôn xao cộng đồng doanh nghiệp, báo viết.
Chủ tịch Trung Quốc thăm Seattle từ ngày 22/9 đến 24/9, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Mỹ kéo dài một tuần.
Trọng Giáp