Tôi trả lời rằng, ai cũng thích được ưu đãi cả, nhưng với bất kỳ ưu đãi nào, chúng ta phải luôn nhớ rằng ưu đãi là một yếu tố triệt tiêu cạnh tranh. Giải pháp theo tôi, không phải là ưu đãi mà phải tìm cách để cho những gì chúng ta đang bàn trong khách sạn 5 sao này được đem ra áp dụng ở ngoài cánh đồng với những bác nông dân lấm lem bùn đất thì khi đó mới có thể phát triển bền vững được.
Ở hội nghị thì vậy, đến khi tôi bắt tay vào thực hiện một dự án nông nghiệp bền vững, xuống gặp các bác nông dân thì câu hỏi đầu tiên của bác nông dân vẫn là: Vậy thì tôi được hỗ trợ gì? Khi tôi trả lời là tôi không đem tiền đến để biến các bác thành tỷ phú mà tôi chỉ có kiến thức để hỗ trợ thì bác nói: “Chú nhìn quanh nhà tôi đi xem có thứ gì đáng giá không. Nông dân nghèo thế này mà không đem tiền giúp tôi thì làm sao khá lên được để nói những chuyện về bảo vệ môi trường hay biến đổi khí hậu cùng với chú?
Vậy là tôi quyết định mạo hiểm. Tôi chia đôi vườn của bác ra, một nửa vườn tôi hỗ trợ phân thuốc nhưng buộc phải làm theo quy trình của dự án. Nửa vườn còn lại, bác muốn làm gì thì làm. Kết quả sau một vụ, năng suất nửa vườn do tôi “đạo diễn” tăng 10%, giảm nước tưới 40%, giảm phân hóa học 15% và sau tất cả, thu nhập của bác mỗi vụ tăng thêm gần 20 triệu đồng một ha. Bác nông dân phấn khởi, gặp tôi và đề nghị hỗ trợ tiếp. Tôi trả lời: “Chúng tôi không cho không cái gì cả. Nếu bác muốn được tiếp tục hỗ trợ, bác phải dạy lại cho ít nhất 50 nông dân nữa những gì bác đã học được từ chúng tôi. Bác có thể sử dụng ngay cái vườn nửa tốt, nửa xấu để thuyết phục mọi người nghe theo bác. Bác nông dân đồng ý. Và thế là các nhóm nông dân sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn như GAP, 4C, hay RFA bắt đầu hình thành, phù hợp với mục tiêu mà chúng tôi đã bàn trong khách sạn 5 sao kia là phải liên kết nông dân và phải phát triển bền vững theo chuẩn quốc tế. Và điều tôi vui hơn nữa, là nông sản do nhóm nông dân sản xuất ra, đã có thể vượt qua rất nhiều rào cản về thuế quan hay kỹ thuật để xuất khẩu vào các nước thuộc nhóm TPP bây giờ mà không cần trợ giúp gì của tôi cả. Hay nói khác đi, bác nông dân nghèo khó của tôi ngày xưa bây giờ đã đủ sức cạnh tranh với nông dân ở các nước khác.
Nhưng việc áp dụng kỹ thuật tăng năng suất và đạt những chứng chỉ bền vững để bước vào chuỗi cung ứng toàn cầu chỉ là một phần của câu chuyện. Vì nếu không nói rõ là bác nông dân của tôi là nông dân trồng cà phê thì câu chuyện trên sẽ trở nên vô nghĩa. Nếu là một bác nông dân đang trồng đậu nành chẳng hạn, thì chắc chắn bác sẽ không bao giờ có thể cạnh tranh với những nông dân bên Mỹ sử dụng giống đậu nành biến đổi gene hay nông dân nuôi bò ở Việt Nam dù có áp dụng kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới không thể nào cạnh tranh với nông dân New Zealand. Vì vậy, câu hỏi trồng cây gì, nuôi con gì nên được chuyển thành trồng những cây, nuôi những con mà chúng ta có lợi thế cạnh tranh chứ không phải là cứ nghe phong thanh ở đâu đó có “cây tỷ đô” thì đổ xô đi trồng để rồi rất lâu sau đó mới nhận ra rằng chúng ta hoàn toàn không có lợi thế.
Vậy là bác nông dân cà phê mà tôi quen đang vui mừng vì trong 12 nước tham gia TPP chỉ có Mexico là đáng lưu tâm khi so sánh với cà phê Việt Nam. Ngoài ra cũng sẽ có rất nhiều bác nông dân khác chắc sẽ vui mừng vì các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như lúa gạo, hồ tiêu, cao su, thủy sản… đều là những mặt hàng mà các nước trong TPP không có thế mạnh. Nhưng người nuôi gà công nghiệp thì hẳn là có nhiều lý do để lo lắng vì thịt gà Mỹ đang bán ở Việt Nam với mức giá rẻ không tưởng. Tuy nhiên, cũng là thịt gà, thì nhiều người tiêu dùng bên Mỹ cũng đang sẵn sàng trả giá cao cho thịt và trứng của gà ta Việt Nam vì họ cũng đồng ý với chúng ta rằng những sản phẩm đó của ta ăn ngon hơn của họ, hay nói khác đi, là chúng ta có lợi thế so sánh với họ ngay trong cùng một mặt hàng, chỉ khác chăng là chúng ta có thể cung cấp những sản phẩm khác biệt về hương vị và chất lượng.
Rất nhiều người đang đoán già đoán non về mức thuế của từng mặt hàng cụ thể sau khi gia nhập TPP, còn tôi thì nghĩ rằng, thay vì ngồi đoán mò về thuế, bác nông dân của tôi hoàn toàn có thể tìm hiểu xem những nước trong TPP họ đang cần gì để mà đáp ứng bằng những sản phẩm mà bác đang có lợi thế vì đang có một thị trường rất lớn đang từng bước mở ra cho rất cả các bác nông dân, dù là nông dân Việt Nam hay nông dân Mỹ sẽ đều có lợi nếu biết phát huy lợi thế của mình.
Vũ Quốc Tuấn