Tại phiên họp thường niên 26/4, Chủ tịch Đỗ Minh Phú, cho rằng kế hoạch tăng trưởng tín dụng của TPBank năm nay ở mức 18% đã giảm từ mức hơn 21% của năm 2021. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn hạn mức được Ngân hàng Nhà nước giao (14%).
Nếu không được nới room tín dụng, tổng dư nợ cho vay của nhà băng này sẽ thấp hơn 7.200 tỷ đồng. Với tỷ lệ biên lãi ròng khoảng 3%, lợi nhuận TPBank hụt khoảng 200 tỷ đồng so với kế hoạch.
Con số này, theo Chủ tịch TPBank, là "không lớn so với sự nỗ lực và cố gắng của ngân hàng". Theo đó, nhà băng sẽ tính đến khả năng bù đắp từ những mảng khác.
Người đứng đầu TPBank cũng cho biết thêm, trong thời gian qua, nhà băng này đã tăng cường mở rộng hệ sinh thái với việc nắm giữ hơn 9% tại Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS), tái cơ cấu Công ty Tài chính Hafic.
Về quy mô, tổng tài sản ngân hàng đến cuối năm 2022 dự kiến tăng 20%, đạt 350.000 tỷ đồng. Tổng huy động tăng 13%, trong đó quy mô tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá dự kiến hơn 200.000 tỷ đồng, tăng 15%.
Kế hoạch dư nợ cho vay và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp là 188.800 tỷ đồng, tuy nhiên kế hoạch này cần sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến không quá 1,5%.
Ngân hàng cũng cho biết sẽ chú trọng nâng cao tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) nhằm giảm chi phí vốn, tăng biên lãi thuần và tăng cường kiểm soát, xử lý nợ xấu.
Chia sẻ kết quả quý I, ông Nguyễn Hưng, CEO TPBank cho biết lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 1.600 tỷ đồng, tăng 14%. Tăng trưởng tín dụng đạt 10,6%. Riêng với dư nợ mảng bất động sản, theo ông Hưng, tỷ trọng của lĩnh vực này không quá 6% tổng quy mô tín dụng của ngân hàng và đều được đảm bảo bằng tài sản.
Minh Sơn