TPBank được tăng thêm hơn 4.100 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Qua đó, nhà băng nâng cao hệ số an toàn vốn CAR, năng lực tài chính cũng như củng cố niềm tin đối với cổ đông, khách hàng và nhà đầu tư.
Đây là lần thứ 2 trong năm 2021, TPBank được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ. Trước đó, trong quý III, nhà băng này đã tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng, lên hơn 11.716 tỷ đồng, thông qua hình thức chào bán cổ phiếu riêng lẻ.
Sau 9 tháng, TPBank thực hiện 75% kế hoạch lãi trước thuế cả năm, tương đương 4.350 tỷ đồng, cao hơn 43% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản đạt 260.328 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Hệ số an toàn vốn (CAR) được ghi nhận ở mức 13,43%, cao hơn mức tối thiểu 8% do Ngân hàng Nhà nước quy định.
Tăng trưởng tín dụng cả ba quý đạt 15%, được ngân hàng nhận định là mức khả quan so với bối cảnh nhiều trung tâm kinh tế lớn trên cả nước bị giãn cách xã hội kéo dài. Thu lãi thuần từ dịch vụ cũng tăng 30% đạt 1.052 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,02%.
Vừa qua, TPBank cũng công bố đáp ứng tiêu chuẩn Basel III và IFRS 9. Đại diện ngân hàng cho biết, theo các yêu cầu của Basel III, ngân hàng sẽ phải duy trì lượng vốn dự trữ nhiều hơn nhưng đổi lại, sẽ đảm bảo thanh khoản, có đủ đệm vốn dự trữ để chống chịu được các biến động của thị trường, đồng thời nâng cao vị thế và uy tín, từ đó, dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế.
Với những kết quả đạt được, TPBank được Enterprise Asia vinh danh là Doanh nghiệp xuất sắc châu Á và Thương hiệu truyền cảm hứng tại Giải thưởng Kinh doanh xuất sắc châu Á (APEA). Đây cũng là lần thứ 2 TPBank nhận giải Doanh nghiệp xuất sắc châu Á.
"Chúng tôi luôn nỗ lực áp dụng, triển khai nhiều sản phẩm ngân hàng số nổi trội, để giúp tạo dựng thói quen, truyền cảm hứng giao dịch số tới hàng triệu khách hàng Việt Nam", đại diện TPBank chia sẻ.
An Nhiên