Theo Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023-2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, toàn bộ diện tích tự nhiên 29,09 km2, dân số 77.813 của thị xã Cửa Lò; 32,14 km2 và 45.130 người dân của xã Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái và Nghi Phong, huyện Nghi Lộc sẽ sáp nhập vào TP Vinh.
TP Vinh hiện tại rộng 105 km2, dân số hơn 450.000. Sau khi mở rộng, TP Vinh có diện tích 166,22 km2, dân số 580.669. 4 phường được lập mới gồm Hưng Đông, Hưng Lộc, Nghi Phúc và Nghi Đức. Phường Hồng Sơn được sáp nhập vào Vinh Tân, phường Đội Cung và Lê Mao vào Quang Trung.
TAND, VKSND thị xã Cửa Lò được giải thể. Trụ sở hai cơ quan này chuyển về TP Vinh.
Sau sắp xếp, TP Vinh có 33 đơn vị hành chính cấp xã, là đô thị có biển, địa giới giáp huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, tỉnh Hà Tĩnh và Biển Đông.
Theo UBND tỉnh Nghệ An, TP Vinh khi mở rộng sẽ là đầu tàu tăng trưởng và giải quyết các nhiệm vụ trọng yếu về phát triển kinh tế của tỉnh và vùng Bắc Trung Bộ. Đây là đô thị loại I, trung tâm của vùng về các lĩnh vực tài chính, thương mại, du lịch, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa, giáo dục, đối ngoại..., có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng, đầu mối giao thông quốc gia, quốc tế.
TP Vinh sẽ phát triển dịch vụ đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là công nghiệp sạch, công nghệ cao, tổ hợp khu công nghiệp và dịch vụ; du lịch văn hóa - lịch sử, sinh thái... TP Vinh hiện hữu tiếp tục hoàn thiện các chức năng về dịch vụ thương mại cấp vùng. Với các địa bàn vừa sáp nhập, Cửa Lò được định hướng là trung tâm du lịch biển, 4 xã của Nghi Lộc là trung tâm công nghiệp cảng biển.
Cảng hàng không quốc tế Vinh cũng thuộc TP Vinh mở rộng, được định hướng phát triển thành trung tâm dịch vụ thương mại, logistic và du lịch quốc tế, tạo kết nối cho tỉnh Nghệ An và Bắc Trung Bộ thông qua đường hàng không.
Việc mở rộng được đánh giá làm giảm áp lực lên hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị của trung tâm là TP Vinh hiện hữu, tạo sự cân đối giữa nội thành và ngoại thành.
Bên cạnh mặt tích cực, mở rộng địa giới hành chính Vinh và các vùng khác cũng được dự báo có một số bất cập về công tác quản lý hành chính, cần có kế hoạch sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động dôi dư. Một bộ phận người dân nông thôn sẽ thành dân thành thị, nhưng việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đồng bộ sẽ ảnh hưởng tới công ăn việc làm, quá trình đô thị hóa...
Sau sáp nhập TP Vinh, dự kiến có khoảng 109 cán bộ, công chức, viên chức dôi dư. Nhà chức trách đang xây dựng phương án bố trí, sắp xếp, giải quyết chính sách đối với họ. Thời gian thực hiện đối cán bộ, công chức, viên chức chậm nhất đến cuối năm 2029, với trường hợp không chuyên trách là cuối năm 2025.
Giai đoạn 2023-2025, Nghệ An sáp nhập một huyện và 92 xã. Từ ngày 1/12, địa phương có 20 đơn vị hành chính, gồm 17 huyện, hai thị xã, một thành phố.
Nghệ An có diện tích lớn nhất cả nước (16.490 km2), đứng thứ tư về quy mô dân số với hơn 3,3 triệu, nằm trên trục giao thông chính nối liền Bắc Nam và có hệ thống đường bộ, đường sắt phát triển, xuyên quốc gia.
Theo kế hoạch phát triển đô thị được bàn bạc hồi đầu tháng 11, tỉnh Nghệ An sẽ thí điểm xây dựng Vinh là thành phố ánh sáng giai đoạn 2024-2025, phấn đấu đến năm 2030 có thêm hai thành phố trực thuộc tỉnh là Hoàng Mai và Thái Hòa.