Thông tin được ông Nguyễn Văn Liêu, Phó chủ tịch UBND TP Trà Vinh, cho biết ngày 19/11 khi đề cập việc thành phố mở rộng không gian phát triển, song cũng đặt vấn đề bảo tồn cây xanh lên hàng đầu.
Theo ông Liêu, TP Trà Vinh được quy hoạch với quy mô dân số năm 2030 là 200.000 người. Trong tương lai 5 xã của hai huyện là Càng Long và Châu Thành sẽ nhập vào thành phố. Hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội như: giao thông, đô thị, thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục... được quy hoạch đầu tư xây dựng mới. Trung tâm hành chính của thành phố cũng được dời ra khu vực đô thị mở rộng này.
"Việc làm này nhằm tạo không gian phát triển mới đáp ứng nhu cầu của người dân; đồng nghĩa với việc bảo vệ, giữ gìn, bảo tồn hệ thống cây xanh hiện hữu, nhất là khu 'rừng' cổ thụ", ông Liêu nói và cho biết quan điểm chung là tại khu vực thành phố sắp mở rộng thì vấn đề môi trường, sinh thái vẫn phải chú trọng hàng đầu.
TP Trà Vinh hiện có hơn 14.463 cây xanh tạo bóng mát trên 87 tuyến đường. Ngoài ra đô thị này còn có hàng chục nghìn cây xanh khác ở các công viên, trường học, đền chùa... Trong số này, có 800 cổ thụ trên 100 tuổi chủ yếu là sao, dầu, me... tại 20 tuyến đường khu vực trung tâm và Ao Bà Om (phường 1-8), với tán lá rộng hàng trăm m2 mỗi cây.
Theo ông Liêu, địa phương được mệnh danh là thành phố nhiều cây xanh nhất cả nước. Tháng 3/2024, Cơ quan theo dõi chất lượng không khí toàn cầu IQAir (Thụy Sĩ), công bố TP Trà Vinh xếp thứ 3 trong số 15 thành phố có chất lượng không khí trong lành nhất Đông Nam Á và được xếp hạng trong lành nhất Việt Nam.
Trước đó, tháng 4/2023, lần đầu tiên Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan quốc tế Mỹ tại Việt Nam (USAID) công bố chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI), Trà Vinh được xếp hạng 1 cả nước.
"TP Trà Vinh hiện có diện tích tự nhiên 68 km2 với dân số khoảng 115.000 người; bình quân độ phủ 29,15 m2 cây xanh mỗi đầu người", ông Liêu nói và cho biết để đạt được kết quả này thì địa phương rất quyết tâm bảo vệ, gìn giữ, phục hồi hệ thống cây xanh, đặc biệt là các cổ thụ trên 100 tuổi.
Giai đoạn năm 2017-2020, TP Trà Vinh đầu tư 20 tỷ đồng thực hiện dự án "chăm sóc đặc biệt" hàng trăm cổ thụ có dấu hiệu suy yếu. Các biện pháp được triển khai như: bón phân, cải tạo đất, chuyền nước biển (dinh dưỡng) trực tiếp vào thân cây, tháo gỡ bêtông vỉa hè bó sát gốc... Sau đó, gần 400 cổ thụ trên 15 tuyến đường được phục hồi, đến nay đang phát triển tốt.
Địa phương cũng mời các chuyên gia từ Hà Lan, Australia đến khảo sát, đưa ra các biện pháp bảo dưỡng hơn 800 cổ thụ trong thành phố... Hiện mỗi năm, TP Trà Vinh dành kinh phí 20 tỷ đồng để phục vụ chăm sóc cây xanh trên địa bàn.
Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết chủ trương xuyên suốt nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh cũng như ý thức người dân địa phương rất quan tâm việc bảo tồn, bảo dưỡng, chăm sóc cây xanh nên mới có thành quả như hôm nay.
"Không có đô thị nào trong cả nước cùng thời với TP Trà Vinh còn giữ được hệ thống cây xanh cổ thụ như thế", ông Hẳn nói và cho rằng tỉnh xác định đây là tài sản quý giá mà sở ngành, người dân cùng chung sức giữ gìn, bảo tồn, phát triển.
Theo ông Hẳn, lãnh đạo tỉnh cũng từng đặt vấn đề độ an toàn của các cổ thụ ở TP Trà Vinh trong trường hợp có bão lớn. Tuy nhiên, qua khảo sát của các chuyên gia và tham khảo ý kiến các cơ quan chuyên môn thì xác định các cổ thụ này còn xanh tốt, có hệ thống rễ cọc rất sâu, chắc chắn. Vùng đất dưới gốc được cải tạo tốt, hạn chế tối đa tình trạng bêtông hóa, thông thoáng, được bổ sung dưỡng chất thường xuyên... Thực tế đến nay, lượng cây cổ thụ già cõi chết rất ít.
"Vì thế chúng tôi an tâm với việc bảo tồn rừng cổ thụ trong thành phố, nhưng không chủ quan mà thường xuyên kiểm tra, duy trì các biện pháp theo dõi sức khỏe, chăm sóc cây", ông Hẳn nói và cho biết về tương lai thành phố sẽ được mở rộng ra theo hướng đông, nam. Còn phổ cổ, phố cây xanh cổ thụ vẫn tập trung bảo tồn và được quy hoạch để phát huy giá trị tốt hơn như hình thành phố đi bộ, khu kinh tế đêm phục vụ phát triển du lịch...
Từ đầu năm đến nay, TP Trà Vinh thu hút hơn 1,3 triệu lượt du khách, tăng 35% so cùng kỳ năm trước và chiếm hơn 50% lượng khách du lịch của tỉnh.
An Bình