Nội dung được HĐND TP HCM thông qua tại tờ trình về cơ cấu các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP Thủ Đức, sáng 19/9. Việc này thực hiện theo Nghị quyết 98 của Quốc hội thông qua hồi tháng 6, về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP HCM.
Theo đó, bộ máy Trung tâm hành chính công có giám đốc, các phó giám đốc, các bộ phận và công chức. Đơn vị có ba bộ phận, gồm: tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính; kiểm tra, giám sát và hành chính - tổng hợp.
HĐND TP HCM cũng cho UBND TP Thủ Đức có thêm hai tổ chức hành chính mới. Trong đó, Phòng Giao thông công chính tiếp nhận chức năng giao thông vận tải, quản lý hạ tầng từ Phòng Quản lý đô thị. Còn Phòng Thanh tra Xây dựng được hình thành trên cơ sở tiếp nhận chức năng từ Đội Thanh tra địa bàn TP Thủ Đức (trực thuộc Thanh tra Sở Xây dựng) và Đội Quản lý trật tự đô thị từ Phòng Quản lý đô thị.
Với việc lập thêm ba tổ chức hành chính mới, TP Thủ Đức sẽ có 16 phòng chuyên môn, nhiều hơn 6 so với quy định chung về số lượng cơ quan chuyên môn cấp huyện.
Ngoài ra, 5 cơ quan chuyên môn của TP Thủ Đức được đổi tên và tổ chức lại do chuyển chức năng, nhiệm vụ, gồm các phòng: Tài chính, Kinh tế - Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Khoa học - Công nghệ và Thông tin, Quy hoạch - Xây dựng.
Ở khối đơn vị sự nghiệp công lập, UBND TP Thủ Đức có thêm Trung tâm Phát triển quỹ đất trên cơ sở tổ chức lại Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức. HĐND TP HCM cũng cho phép địa phương thí điểm lập ba trung tâm gồm: Phát triển hạ tầng kỹ thuật, An sinh xã hội, Xúc tiến thương mại và đầu tư. Thời gian thí điểm là ba năm.
TP Thủ Đức có 8 cơ quan chuyên môn được giữ nguyên mô hình tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ, gồm: Văn phòng, các phòng Nội vụ, Tư pháp, Thanh tra, Lao động, Thương binh và Xã hội, Giáo dục - Đào tạo, Y tế, Tài nguyên và Môi trường.
Thủ Đức rộng khoảng 211 km2 với hơn một triệu dân được lập đầu năm 2020, trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức, là mô hình "thành phố trong thành phố" đầu tiên trên cả nước. Nơi đây được kỳ vọng là hạt nhân dẫn đầu, đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP HCM, tương đương 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua thành phố này chỉ có thẩm quyền tương đương cấp huyện nên gặp khó khăn trong điều hành, quản lý.
Lê Tuyết