"Hiện UBND TP Thủ Đức có 585 người, theo đề án đến năm sau phải giảm gần 130 người. Thực sự với số biên chế hiện này làm chưa hết việc bây giờ giảm nữa không biết phải làm sao", Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng nói tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021, sáng 10/12.
TP Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức, rộng khoảng 211 km2, dân số hơn một triệu. Đây là hạt nhân dẫn đầu, thúc đẩy thành phố và vùng Đông Nam Bộ phát triển. Dự kiến TP Thủ Đức góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP HCM, tương đương 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước.
Theo ông Tùng, TP Thủ Đức hiện vận hành như một đơn vị hành chính cấp huyện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, chỉ khác các quận là có tổ chức HĐND. Vì vậy, trong tất cả quy định liên quan thành phố đều phải tuân thủ về tổ chức bộ máy nhân sự. "Đây là hạn chế lớn nhất khi sáp nhập, vì công việc, con người tăng nhưng đầu mối giảm", ông Tùng nói và kiến nghị giữ nguyên biên chế như hiện nay.
Lãnh đạo UBND TP Thủ Đức cho biết, trong lúc chưa có cơ chế đặc biệt, địa phương cố gắng cải tiến quy trình làm việc để nâng cao hiệu quả. Theo đó, từ tháng 7 tất cả hồ sơ giấy phép xây dựng đều được TP Thủ Đức gửi qua thư điện tử cho người dân chứ không in ra rồi ký đóng dấu như trước. Người dân nộp hồ sơ qua mạng, đóng lệ phí qua tài khoản ngân hàng.
"Khi giấy phép đạt yêu cầu, Phó chủ tịch phụ trách ký và giấy phép được công khai trên cổng thông tin chung của quận để người dân giám sát. Quận cũng gửi một bản có chũ ký số cho người dân. Bản này có giá trị tương đương bản dấu đỏ và có thể in ra nhiều bản", ông Tùng nói. Hiện, Thủ Đức còn khoảng 150 thủ tục cần vận hành theo cách này để nâng cao hiệu quả.
Người đứng đầu chính quyền Thủ Đức nói để thành phố phát triển như kỳ vọng phải có cơ chế đặc thù. Vì vậy, UBND TP HCM đã chỉ đạo TP Thủ Đức và các sở liên quan xây dựng đề án phân cấp ủy quyền từ TP HCM cho TP Thủ Đức. Hiện đề án này đã được các sở ngành góp ý và thống nhất những gì thành phố có thể phân cấp, ủy quyền được sẽ làm ngay. TP HCM cũng đã chủ trì giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề án để tham mưu Quốc hội ban hành cơ chế riêng cho TP Thủ Đức.
Theo ông Tùng, TP Thủ Đức chính thức hoạt động từ ngày 22/1/2021. Trong một năm vận hành hết phân nửa thời gian tập trung cho công tác chống dịch nên nhiều hoạt động kinh tế - xã hội đều bị ảnh hưởng. "Điều này hết sức đáng tiếc, vì khi thành lập lãnh đạo cũng như người dân đều kỳ vọng tạo sự phát triển mạnh mẽ hơn, nhưng Covid-19 ảnh hưởng nhiều hoạt động chung", ông Tùng nói.
Tại buổi làm việc, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM nói rằng Thủ Đức đang quản lý 1,2 triệu dân, tương đương dân số một tỉnh trong khi bộ máy chỉ cấp quận nên "quá tải là chắc chắn".
"Chúng ta nhập 3 quận mới có thể tạo sức mạnh tổng hợp với một quy hoạch tổng thể. Tuy nhiên, lợi thế này đi kèm với quy mô dân số lớn hơn nhiều nên cần bộ máy quản lý phải tương xứng", ông Nhân nói.
Nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM cho rằng năng suất lao động của TP HCM gấp 2,6 lần cả nước. Tại Thủ Đức với khu công nghệ cao, các khu công nghiệp, năng suất lao động còn cao hơn, ít nhất gấp 3 lần cả nước. Như vậy, với 1,2 triệu dân, quy mô kinh tế của TP Thủ Đức phải tương đương 3,6 triệu dân.
"Không phải chúng ta đòi biên chế nhiều hơn, thu nhập cao hơn một cách phi lý, mà là tạo điều kiện quản lý, phát huy năng lực kinh tế của địa phương có năng suất gấp 3 lần cả nước", ông Nhân nói.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho hay TP Thủ Đức có tiền đề khoa học công nghệ tốt nhất TP HCM và cũng là đầu mối giao thông tốt nhất thành phố. Để TP Thủ Đức phát triển đột phá, thành phố cần được tự chủ cao để phát huy hết tiềm lực. Thủ Đức cần huy động hoặc vay khoảng một tỷ USD (hơn 23.000 tỷ đồng) để trong vòng 7 năm tới có thể đổi mới, phát triển mạnh mẽ về hạ tầng.
Hữu Công