Nằm ở phía Nam của Long An, giữ vai trò cầu nối giữa TP HCM và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Tân An được xem là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Ngày 9/9/2009, thị xã Tân An được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh. Sau 15 năm phát triển, đô thị trẻ thay đổi nhiều về diện mạo, đóng góp vào đà phát triển của địa phương.
Theo ông Lê Công Đỉnh, Bí thư Thành ủy Tân An, khi mới thành lập, xuất phát điểm của đô thị còn thấp cả về kinh tế lẫn kết cấu hạ tầng. Để phát huy hết vai trò, địa phương đã ban hành hai Nghị quyết về quy hoạch, phát triển thành phố trong hai giai đoạn 2011-2020 và 2021-2030.
Còn trong quy hoạch của tỉnh đến năm 2030, Thành phố Tân An được xác định là trung tâm chính trị - hành chính - đô thị hạt nhân - đô thị vệ tinh của TP HCM. Nơi đây là trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, hiện đại phía Đông Bắc của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Những quy hoạch này là cơ sở để địa phương đưa ra nhiều chính sách, chiến lược phát triển kinh tế xã hội.
Ông Đỉnh cho biết, qua 15 năm phát triển, đô thị đạt nhiều cột mốc. Tổng thu ngân sách năm 2023 đã đạt trên 797 tỷ đồng, tăng gấp 3,3 lần so với năm 2009 (237 tỷ đồng). Hơn 1.990 doanh nghiệp đăng ký thành lập và hoạt động với tổng số vốn trên 5.900 tỷ đồng, tăng gấp 2,7 lần về số lượng và 8,2 lần về số vốn. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2023 đạt trên 61 triệu đồng, tăng gần gấp hai lần so với năm 2009 (đạt 30,8 triệu đồng).
Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia hiện nay đạt trên 89%, tăng hơn 8 lần so với năm 2009. Tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm, từ 7,8% vào năm 2009 còn 0,31% tính đến hết 6 tháng đầu năm 2024.
Thành phố có 3 cụm công nghiệp tại xã Lợi Bình Nhơn và 19 hợp tác xã hoạt động ổn định. Các cửa hàng tiện ích, chợ, các cơ sở kinh doanh thương mại - dịch vụ và tiện lợi với quy mô lớn phục vụ đời sống dân sinh.
"Sự phát triển của Tân An 15 năm qua không chỉ dừng ở những thành tích, mà còn qua diện mạo kiến trúc và cảnh quan đô thị ngày càng khang trang, sạch đẹp, văn minh và hiện đại", Bí thư Thành ủy khẳng định.
15 năm qua, địa phương này đầu tư nhiều hạ tầng giao thông quan trọng, mang tính kết nối cao như Đường vành đai TP Tân An hơn 3.000 tỷ đồng, cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây, nút giao đường Hùng Vương - quốc lộ 62,... Các hạ tầng sẵn có như quốc lộ 1, quốc lộ 62, cao tốc TP HCM - Trung Lương cũng là những đầu mối quan trọng, tăng năng lực trung chuyển hàng hóa, thúc đẩy phát triển. Thủ phủ của tỉnh Long An cũng đầu tư nguồn lực hoàn thiện các công viên, kè sông, hệ thống chống ngập.
Sống ở Tân An hơn 40 năm, bà Trần Thị Thu Hà, người dân phường 3, cảm nhận rõ sự chuyển mình của thành phố. Trước đây, toàn khu không có siêu thị, những tuyến đường vẫn nhỏ, hẹp. Trước nhà bà Hà là Ao Quan, hai bên bờ cỏ dại mọc um tùm, mặt ao nhiều rác thải. Ngay khi được công nhận thành phố, các mô hình siêu thị, cửa hàng tiện lợi đổ về liên tục giúp đáp ứng nhu cầu tốt hơn. Khu Ao Quan cũng được cải tạo thành công viên với cảnh quan mặt nước, là nơi người dân tập luyện thể thao hai buổi sáng chiều.
Ông Trần Ngọc, làm kinh doanh nước giải khát trên đường Hùng Vương, phường 4, cũng cải thiện đời sống, thu nhập từ khi thành phố trẻ hình thành. Hùng Vương trước khi là trục đường vắng người qua lại. Chính quyền đã cải tạo, mở rộng, biến trục thành xương sống của thành phố - nơi tập trung rất nhiều công trình lớn, tổ chức các hoạt động văn hóa, giải trí, thương mại, dịch vụ sầm uất. Đây cũng là con đường giao cùng lúc quốc lộ 1 và quốc lộ 62, kết nối đi các huyện khác, đóng vai trò luân chuyển hàng hóa.
"Giờ Hùng Vương là con đường chính với lưu lượng người đổ về rất đông. Tôi và rất nhiều người dân có thể kinh doanh thuận lợi", ông Ngọc nói.
Chuyển đổi số cũng được đẩy mạnh. Nổi bật là Trung tâm điều hành thông minh đưa vào sử dụng giữa năm 2023. Theo lãnh đạo địa phương, đây là bước đầu trong triển khai xây dựng Tân An trở thành đô thị thông minh đầu tiên của tỉnh, làm cơ sở phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Tân An hiện là đô thị loại II. Mục tiêu của thành phố là được công nhân loại I trước năm 2030.
Người đứng đầu thành phố cho biết để sớm đạt mục tiêu, địa phương sẽ tập trung vào nhiều khía cạnh như cải cách hành chính; thu hút nhân lực chất lượng cao. Đô thị sẽ tiếp tục khởi công và hoàn thiện nhiều công trình hạ tầng trọng điểm để tạo đòn bẩy cho kinh tế, xã hội, thu hút đầu tư. Các khu dân cư, đô thị sinh thái, trung tâm thương mại
Ngoài ra, để được công nhận loại I, địa phương cũng cần đáp ứng các tiêu chí về diện tích và dân số. Tân An hiện nay có diện tích hơn 80 km2, dân số hơn 150.000 người. Để đạt các tiêu chí loại I, thành phố dự kiến huy động khoảng 17.000-18.000 tỷ đồng cho nhiều kế hoạch. Địa phương ưu tiên mở rộng diện tích theo hướng Đông Nam và Đông Bắc để đủ điều kiện 150 km2 trở lên. Cụ thể là lấy tuyến sông Vàm Cỏ Tây làm trục cảnh quan chính và lấy đường Vành đai TP Tân An là trục động lực phát triển.
Hoài Phương