Thời gian gần đây, trên địa bàn TP HCM xuất hiện một loại dịch vụ taxi thông qua việc cài đặt phần mềm ứng dụng trên điện thoại smartphone để kết nối giữa khách hàng và chủ xe có nhu cầu cho thuê.
Những xe tham gia dịch vụ gồm cả xe sang và xe giá rẻ nhưng không có phù hiệu taxi, không logo, đồng hồ tính tiền cước như những hãng taxi khác. Khi cần xe chở đi, khách hàng sẽ dùng ứng dụng trên điện thoại để đăng ký hành trình. Hệ thống của phần mềm này sẽ tự động kết nối với một chủ xe (có đăng ký tham gia vào ứng dụng). Sau đó, hệ thống sẽ hiển thị thông báo các thông tin về chi phí chuyến đi, thông tin cơ bản về chiếc xe sắp đến đón. Nếu đồng ý, khách hàng sẽ thanh toán qua thẻ quốc tế. Chi phí thuê xe ở dịch vụ này thường thấp hơn so với taxi thông thường (trong đó đơn vị cung cấp dịch vụ hưởng 20% phí dịch vụ, chủ xe hưởng 80%).
Trên website của mình, đơn vị cung cấp dịch vụ taxi mới được giới thiệu thành lập vào năm 2009, hiện có mặt tại hơn 200 thành phố lớn của 45 quốc gia. "Bằng cách kết nối giữa hành khách và tài xế, ứng dụng của chúng tôi khiến việc đi lại dễ dàng hơn, hành khách gọi xe tiện lợi hơn và tài xế có thêm nhiều công việc hơn", website này giới thiệu.
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, về bản chất, đây là loại hình xe hợp đồng vận tải nhưng không được các cơ quan chức năng cấp phép và không có phù hiệu xe chạy hợp đồng theo quy định hiện hành. Điều này dẫn đến nhiều bức xúc từ phía các đơn vị kinh doanh vận tải và tài xế taxi, ảnh hưởng đến trật tự vận tải của thành phố.
Trước tình hình này, Sở GTVT đề nghị Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có chỉ đạo để giải quyết làm rõ tính pháp lý đối với loại taxi "lạ"; đồng thời đề nghị Sở Thông tin truyền thông xem xét việc kiểm tra cấp phép cho trang web và ứng dụng này hoạt động, thời điểm trang web thực hiện dịch vụ.
Trước đó, hiệp hội Taxi TP HCM đã có văn bản kiến nghị UBND TP HCM xem xét tính hợp pháp của dịch vụ cho thuê xe này và cho rằng nếu nó phát triển sẽ ảnh hưởng tới "nồi cơm" của hàng nghìn tài xế taxi trên địa bàn.
Theo AFP, hiện dịch vụ này đã có mặt tại nhiều đô thị ở ASEAN như Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur, Manila, Jakarta và TP HCM. Sở Giao thông Jakarta cho rằng dịch vụ taxi này hoạt động trái luật. Tại Malaysia, chính quyền bắt đầu truy quét các xe riêng sử dụng cho dịch vụ này kể từ ngày 1/10 và phạt mỗi tài xế vi phạm tới 10.000 MYR (khoảng 3.070 USD). Dịch vụ này cũng vấp phải các vấn đề pháp lý tại San Francisco, New York (Mỹ) hay Frankfurt (Ðức). Tại Seoul (Hàn Quốc), giới chức cho rằng dịch vụ này nên tuân theo các quy định như taxi bình thường hoặc các công ty cho thuê xe. |
Hữu Công