Điểm sinh hoạt của Hội thánh Truyền giáo Phục hưng nằm trên đường Nguyễn Văn Công, phường 3, quận Gò Vấp, TP HCM. Từ đêm 26/5, sau khi xác định ba trường hợp nghi nhiễm (CDC địa phương xét nghiệm dương tính, chưa được Bộ Y tế định mã bệnh nhân), lực lượng chức năng địa phương đã phong tỏa điểm sinh hoạt này.
Ba ca nghi nhiễm ở thời điểm đó là một phụ nữ và hai vợ chồng, đều sinh hoạt chung tại Hội thánh Truyền giáo Phục hưng. Họ đi khám tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, do có triệu chứng viêm hô hấp, xét nghiệm sàng lọc cho kết quả dương tính Covid-19.
Đến nay, có 16 quận, huyện tại TP HCM ghi nhận F0, F1 liên quan đến điểm sinh hoạt của tổ chức tôn giáo này, gồm: TP Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Nhà Bè, Bình Tân, Bình Chánh, các quận 1, 3, 4, 5, 10, 12.
Trước diến biến mới, chính quyền TP HCM triển khai hàng loạt biện pháp chống dịch nhanh, mạnh mẽ. Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu siết chặt thêm việc hạn chế các dịch vụ không thiết yếu để chống dịch.
Từ 0h ngày 28/5, các nhà hàng ăn uống ngừng hoạt động, cơ sở lưu trú kinh doanh theo mô hình Homestay, AirBnb không được nhận khách mới...
Các hoạt động spa, cơ sở làm đẹp (cắt, uốn tóc nam nữ, nail), phòng khám và bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ; địa điểm du lịch, tham quan, di tích, bảo tàng, thư viện; hoạt động tại phố đi bộ, chợ đêm, công viên công cộng; cơ sở kinh doanh thể dục thể thao ngoài trời tập trung trên 10 người cũng bị tạm dừng.
Các hộ gia đình kinh doanh dịch vụ ăn, uống, thức ăn đường phố không được phục vụ tại chỗ, chỉ được bán hàng mang về.
Chính quyền thành phố yêu cầu tạm dừng các nghi lễ, hoạt động tôn giáo tập trung từ 10 người trở lên. Người dân được đề nghị hạn chế ra khỏi nhà; không tụ tập quá 10 người nơi công cộng.
Về giãn cách xã hội, Chủ tịch UBND TP HCM giao Sở Y tế tham mưu phạm vi và thời gian thực hiện ở những khu vực có nguy cơ cao như nơi ở, nơi làm việc của F0. Đến nay, thành phố có ít nhất 8 điểm phong tỏa liên quan đến chuỗi lây nhiễm mới.
Bí thư Thành uỷ thành phố Nguyễn Văn Nên cho rằng đến giờ chưa nắm được nguồn lây và mức độ lây lan, nên "cần tính toán trừ hao phạm vi giãn cách và phong tỏa rộng hơn rồi thu hẹp dần".
Tại cuộc họp trực tuyến với Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, sáng 27/5, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP HCM, nói tình hình dịch đang được kiểm soát nhưng ở nơi nguy cơ dịch bệnh cao, thành phố sẽ tính toán giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 hoặc chỉ thị 16.
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, việc giãn cách xã hội trên địa bàn TP HCM ở quy mô, mức độ nào, thuộc thẩm quyền của lãnh đạo thành phố. Việc giãn cách xã hội, phong toả và cách ly cần phù hợp, đảm bảo mục tiêu kép, vừa an toàn, vừa phát triển kinh tế.
Để hỗ trợ TP HCM chống dịch, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu sân bay Tân Sơn Nhất tạm dừng nhập cảnh hành khách từ 27/5, kéo dài đến hết 4/6. Hành khách xuất cảnh ra nước ngoài vẫn bình thường.
Trong khi đó, Bắc Giang, Bắc Ninh vẫn là điểm nóng dịch bệnh trên cả nước. Từ 27/4 đến nay, Bắc Giang ghi nhận 1.648 ca Covid-19, cao nhất cả nước; Bắc Ninh 676 ca, đứng thứ hai.
Các biện pháp chống dịch tiếp tục được triển khai nhanh chóng tại hai địa phương này. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, từ chiều 27/5, Bộ Y tế bắt đầu tiêm vaccine cho công nhân trong các khu công nghiệp của hai tỉnh. Bắc Ninh và Bắc Giang mỗi tỉnh được Bộ Y tế cấp 150.000 liều vaccine. Ước tính Bắc Giang có 150.000 công nhân; Bắc Ninh 90.000 công nhân.
Các chuyên gia Y tế cũng bắt đầu hướng dẫn người dân trong khu cách ly tập trung tại Bắc Giang tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh Covid-19. Bộ Y tế đã điều động Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên làm Tổ trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ chống dịch tại Bắc Ninh. Trước đây, Bộ phận thường trực đặc biệt do Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn đứng đầu, phụ trách cả hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Như vậy, Bộ Y tế đã thành lập hai đơn vị đặc biệt tại hai tỉnh, để hỗ trợ chống dịch.
Từ 27/4 đến nay, Việt Nam ghi nhận 3.255 ca nhiễm Covid-19 cộng đồng, ở 30 tỉnh, thành.