UBND TP HCM vừa chấp thuận chủ trương tiếp nhận và xử lý khoảng 100 tấn rác mỗi ngày theo đề nghị của tỉnh Long An, chi phí do tỉnh này chi trả.
Thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát năng lực xử lý của các đơn vị để điều phối khối lượng chất thải rắn hợp lý, đảm bảo an toàn khi tiếp nhận và bảo đảm môi trường.
Sở cũng được giao làm việc với Công ty cổ phần Vietstar để yêu cầu hoàn tất cơ sở pháp lý và cam kết đảm bảo an toàn, môi trường khi xử lý thêm chất thải rắn sinh hoạt.
Hiện, công ty này tiếp nhận mỗi ngày khoảng 1.200 tấn rác thải sinh hoạt ở TP HCM về phân loại và xử lý thành phân bón. Phần không thể sử dụng đưa qua bãi chôn lấp số 3 của Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP ở Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp (huyện Củ Chi).
Mỗi ngày TP HCM có hơn 7.000 tấn rác, riêng bãi Đa Phước đang tiếp nhận và xử lý 5.000 tấn và trở thành nơi duy nhất chôn lấp rác của thành phố. Số còn lại được xử lý làm phân compose ở Phước Hiệp – Củ Chi (do công ty Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa đảm nhận).
Xử lý rác đang là vấn đề nan giải đối với TP HCM vì hiện nay chủ yếu là chôn lấp nên nguy cơ ô nhiễm rất cao.
Bãi rác Đa Phước là nguyên nhân gây mùi hôi thối khiến cả khu Nam Sài Gòn bị ảnh hưởng trong thời gian dài. Vụ việc cũng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo UBND TP HCM làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm và có phương án giải quyết.
Đến cuối tháng 9/2016, chính quyền TP HCM xác định mùi hôi mà người dân khu Nam Sài Gòn phản ánh bắt nguồn từ khu vực chôn lấp rác và hồ xử lý nước rỉ rác của Đa Phước (huyện Bình Chánh). Đồng thời, thành phố sẽ cùng doanh nghiệp thực hiện cam kết để dự án thực sự mang lại hiệu quả.
Mới đây, người dân xung quanh bãi Đa Phước lại phản ứng gay gắt vì cho rằng nước rỉ rác chảy ra kênh rạch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ. Tuy nhiên, phía Đa Phước khẳng định đó là cát đang xây dựng chảy tràn ra ngoài do mưa lớn. Kết quả giám định chưa được công bố.
Hữu Nguyên