Giải pháp này vừa UBND TP HCM báo cáo Thủ tướng nhằm tháo gỡ cho dự án giải quyết ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1). Đây là công trình chống ngập lớn nhất TP HCM tính đến nay, triển khai theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), do Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 làm nhà đầu tư.
Khởi công năm 2016, dự án có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, mục tiêu kiểm soát ngập do triều, ứng phó biến đổi khí hậu cho 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân ven sông Sài Gòn và trung tâm TP HCM. Dù đã hoàn thành hơn 90% khối lượng nhưng do bị vướng thủ tục thanh toán cho nhà đầu tư nên công trình này đã ngưng trệ nhiều năm nay.
Theo chính quyền thành phố, dự án đang có nhiều vướng mắc. Một trong số đó là không còn vốn để hoàn thành các hạng mục còn lại với khoảng 1.800 tỷ đồng. Nguyên nhân là BIDV - ngân hàng cấp vốn cho dự án không có cơ sở ký phụ lục hợp đồng tín dụng với nhà đầu tư và trình Ngân hàng Nhà nước gia hạn thời gian tái cấp vốn.
Trước đó, TP HCM từng đưa ra phương án uỷ thác ngân sách cho Quỹ đầu tư phát triển thành phố (HFIC) để đơn vị này cho nhà đầu tư vay và hoàn thành công trình. Tuy nhiên, cách này bị Bộ Tài chính đánh giá chưa phù hợp.
Vấn đề khác là dự án vướng các thủ tục pháp lý nên thành phố chưa có cơ sở thanh toán hợp đồng BT cho nhà đầu tư. Đồng thời, hiện cũng chưa xác định rõ thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư khi dự án có thay đổi, phát sinh dẫn đến tổng mức đầu tư vượt 10.000 tỷ đồng - thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia.
Để tháo gỡ những vướng mắc trên, UBND TP HCM đề xuất cho điều chỉnh dự án bởi hiện tổng mức đầu tư đã thay đổi, thời gian thực hiện cũng đã hết. Tuy nhiên, việc này sẽ tốn nhiều thời gian nên thành phố kiến nghị cho điều chỉnh các điều khoản thanh toán trong hợp đồng song song với điều chỉnh tổng thể dự án.
Trước mắt thành phố sẽ làm thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện, ký phụ lục hợp đồng BT với nhà đầu tư thay đổi phương án thanh toán. Đây sẽ là cơ sở để thành phố thanh toán, giải quyết nguồn vốn cho Trung Nam BT 1547 hoàn thành phần còn lại của công trình cũng như giảm lãi vay phát sinh trong khi chờ điều chỉnh tổng thể dự án.
Đến nay, dự án án chống ngập 10.000 tỷ đồng đã trễ hẹn 6 năm. Do thời gian thực hiện kéo dài, nhà đầu tư tính toán dự án phát sinh lãi vay cùng các chi phí khác dẫn đến tổng mức đầu tư đã tăng lên hơn 14.000 tỷ đồng. Do đó, doanh nghiệp đề nghị những phần phát sinh này phải được ghi nhận vào dự án bằng cách điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Gia Minh