Đây là lần thứ 3 TP HCM đề nghị lùi thời hạn cấm xe 3, 4 bánh.
Lần này, Ban xây dựng đề án đề nghị cho phép các xe tự chế có đăng ký, đăng kiểm được lăn bánh ở khu vực ngoại thành kể cả sau năm 2008. Còn nội thành (bao gồm các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận, Bình Thạnh và một phần Gò Vấp, Tân Phú, Tân Bình) được lưu thông trong khoảng thời gian từ 22h đến 5h sáng hôm sau.
Đề án cũng dành số tiền tối đa là 40 tỷ đồng chỉ để hỗ trợ chi phí học lái và lãi suất cho những chủ xe muốn chuyển đổi, chứ không giúp tiền mua xe. Dự thảo đề án trước đó đề xuất số tiền hỗ trợ lên đến 700 tỷ đồng.
Theo Nghị quyết 32 của Chính phủ, xe tự chế phải bị cấm hoạt động hoàn toàn từ đầu năm 2008. Tuy nhiên trước thời hạn này, vấp phải phản ứng gay gắt của dư luận và những người nghèo dùng xe 2, 3 bánh chưa có điều kiện chuyển đổi, ngày 31/12/2007, Bộ Giao thông vận tải gia hạn thời gian cấm đến hết tháng 6 năm nay để các địa phương xây dựng phương án hỗ trợ cho các chủ xe tự chế.
Riêng TP HCM đề nghị, trên địa bàn chỉ cho xe tự chế có biển số, đăng kiểm lưu hành trong thời gian từ 22h đến 4h sáng hôm sau (xe chở rác được thêm 2 tiếng cho đến 6h sáng). Xe không có biển đăng ký như cơ giới, đẩy tay chỉ được phép lưu hành đến hết ngày 29/2.
Ngày 29/2, một lần nữa thành phố lại hoãn lệnh cấm cho loại xe cơ giới và đẩy tay này tới ngày 30/6; rồi dời đến hết năm nay.
Chủ trương dẹp xe tự chế đang khiến TP HCM đau đầu bài toán chuyển đổi phương tiện, tái bố trí nghề cho người buôn bán nhỏ. Ảnh: Kiên Cường |
Dù phải dời thời hạn áp dụng nhiều lần nhưng đề án chuyển đổi xe 3, 4 bánh của TP HCM vẫn còn rất nhiều bất cập mặc dù sửa đổi đến lần thứ 4.
Ví dụ, dự thảo đề nghị hỗ trợ kinh phí đến trên 284 tỷ đồng cho nhóm xe tự chế đang hoạt động thu gom rác, chất thải vệ sinh môi trường. Cơ sở cho mức tính này là giá thành hiện tại của xe tải dưới 1 tấn (để thay thế chở rác) khoảng 120 triệu đồng một chiếc; xe ép rác có giá khoảng 1,4 tỷ đồng một chiếc.
Trong khi đó nhóm người dân sử dụng xe 3, 4 bánh tự chế không có biển số đăng ký chiếm đa số với 15.457 phương tiện, là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi quyết định cấm vì là lao động nghèo; chỉ được hỗ trợ tương đương với nhóm trên.
Từ những bất hợp lý trên, đề án chuyển đổi lần này (sau khi dự thảo thứ 4 bị phá sản) buộc lãnh đạo UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện cụ thể trên địa bàn mình phụ trách. Sở ban ngành khác chỉ hỗ trợ về chuyên môn.
Ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố đề nghị phương tiện thay thế chuyển đổi xe tự chế nên để các công ty, xí nghiệp của thành phố chế tạo thay vì nhập khẩu. Trước đây TP HCM chỉ giao cho công ty Cơ khí Sài Gòn Samco nghiên cứu các loại xe thay thế chứ chưa nêu rõ là sản xuất.
"Các lĩnh vực khác đều thực hiện xã hội hóa tại sao việc chuyển đổi xe tự chế nhà nước lại ôm vào rồi làm đề án không khả thi, chưa chắc có lối ra cho người nghèo", ông Đằng thẳng thắn nhận xét.
Kiên Cường