Ngày 6/1, đoạn đường Hồng Hà trước khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đang được giải phóng mặt bằng. Nhiều căn nhà trên đường Bạch Đằng cũng đang được tháo dỡ để phục vụ dự án xây dựng tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài. Cùng với đó, bên trong công viên Gia Định, các mốc lộ giới của đoạn đường đã được cắm từ hàng rào công viên phía đường Hồng Hà (quận Tân Bình) đến góc đường Hoàng Minh Giám - Bạch Đằng (quận Gò Vấp) và khu vực này đang được rà phá bom mìn.
Tại khu vực đã được cắm mốc lộ giới trong công viên Gia Định các cây xanh rất thưa thớt, hiện chỉ còn một số cây cổ thụ đường kính hơn 1 m và một số cây đường kính 30-40 cm. Ở những điểm đất trống nằm trong phạm vi sẽ mở đường vẫn còn sót lại những gốc cây đã được đốn hạ trước đó.
Trao đổi với VnExpress, một lãnh đạo Sở GTVT TP HCM cho biết đoạn đường cắt ngang qua công viên Gia Định thuộc quy hoạch dự án xây dựng tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài đã được UBND thành phố phê duyệt, dài gần 14 km, đi qua 4 quận Tân Bình - Gò Vấp - Bình Thạnh - Thủ Đức, nối sân bay Tân Sơn Nhất với quốc lộ 1.
Dự án được xây dựng theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) giữa UBND TP HCM và Công ty GS E&C của Hàn Quốc trong thời hạn 4 năm (2008-2012), sau đó dời đến cuối năm 2014. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn khoảng 7 km đường thuộc dự án chưa được xây dựng (7 km đã thông xe được đặt tên Phạm Văn Đồng).
"Số cây xanh nằm trong phạm vi dự án sẽ bị đốn để lấy mặt bằng cho dự án", vị này nói.
Cũng theo Sở GTVT, đoạn đi qua Công viên Gia Định dài 650 m, rộng 20 m (chiếm khoảng 13.000 m2 đất công viên). Việc mở đường cắt ngang qua công viên Gia Định là hướng tuyến điều chỉnh của dự án đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi - Vành đai ngoài.
Trước đó, hướng tuyến đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi - Vành đai ngoài đoạn từ đường Trường Sơn đến Nguyễn Thái Sơn theo quy hoạch được duyệt từ năm 1999 rộng 60 m. Tuy nhiên, việc giải tỏa mặt bằng dự án này vấp phải phản ứng từ phía người dân nên chính quyền thành phố đã cho nghiên cứu thêm phương án đi qua công viên Gia Định để giảm tối đa số hộ dân bị giải tỏa trắng.
Sau đó, thành phố điều chỉnh hướng tuyến từ một nhánh rộng 60 m ban đầu thành 2 nhánh mỗi nhánh rộng 20 m. Một nhánh đi theo đường Hồng Hà xuyên qua công viên Gia Định đến vòng xoay Nguyễn Thái Sơn, còn nhánh kia đi theo đường Bạch Đằng hiện tại. Theo Sở GTVT TP HCM, phương án này đã giảm chi phí đầu tư cả về giải phóng mặt bằng và xây dựng công trình do tận dụng được một phần đường Hồng Hà, Bạch Đằng hiện hữu. Và phương án này đã được Chính phủ chấp thuận.
Công viên Gia Định trước năm 1975 được quy hoạch, xây dựng làm sân golf và sau đó bị bỏ hoang. Đến năm 1978, UBND TP HCM có quyết định giao toàn bộ khu sân golf này về cho Sở Quản lý Công trình Công cộng để xây thành công viên, lấy tên là công viên Gia Định. Nằm ở vị tiếp giáp với các quận Tân Bình, Phú Nhuận và Gò Vấp, công viên Gia Định là một điểm đến của rất nhiều người. Diện tích ban đầu của công viên khá lớn nhưng sau đó bị thu hẹp dần và đến năm 2005, công viên còn khoảng 32 ha và được xem là một "lá phổi xanh" của thành phố đông dân nhất nước. Hiện công viên Gia Định có khoảng 1.000 cây xanh thuộc nhiều chủng loại như sọ khỉ, lim xẹt, bò cạp nước, me tây…; hơn 63.000 m2 diện tích thảm cỏ. Trong công viên còn có các khu trò chơi trẻ em rộng khoảng 4.000 m2 với 30 trò chơi phục vụ miễn phí cho các bé từ 11 tuổi trở xuống. |
Hữu Công
.