Dự án 'Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo TP HCM' vừa được kỳ họp thứ 15 HĐND TPHCM khóa IX thông qua cuối tuần trước. Trung tâm này được xác định sẽ là đầu mối về đổi mới sáng tạo, kết nối các đơn vị trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, quản trị tài sản trí tuệ, xây dựng mô hình kinh doanh... Đây cũng sẽ là đầu mối hợp tác quốc tế về đổi mới sáng tạo của TP.HCM và thế giới.
Thông tin từ Sở Kế hoạch Đầu tư cho biết, công trình đặt tại số 123 Trương Định, quận 3. Tổng vốn đầu tư là 323 tỷ đồng bằng ngân sách nhà nước. Công trình có diện tích 20.290 m2, cao tối đa 20m, gồm 6 tầng nổi và 4 tầng hầm.
Tại buổi tham vấn ý kiến cộng đồng về dự án vào sáng 17/7, ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ TP HCM cho biết trung tâm sẽ được xây dựng theo mô hình hợp tác công - tư. Nhà nước chịu trách nhiệm về đất đai, xây dựng tòa nhà và các khu vực dành cho hoạt động chung. Khối tư nhân tham gia ươm tạo, quỹ đầu tư, tập đoàn, doanh nghiệp...sẽ tự thiết kế, trang bị, vận hành các không gian riêng phù hợp với nhu cầu.
Trung tâm này dự kiến được khởi công vào nửa đầu năm 2020 nên đang cần đóng góp ý kiến về thiết kế chi tiết không gian, chính sách thu hút đầu tư cũng như xác định chức năng, nhiệm vụ để hoạt động hiệu quả.
"Có thể đây không phải là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo duy nhất của Thành phố trong tương lai nhưng trước mắt cố gắng làm cái đầu tiên với mô hình thật tốt", ông Dũng nói cần xác định mô hình vận hành ra sao để tòa nhà đúng nghĩa là trung tâm đầu mối về khởi nghiệp chứ không phải nơi cho thuê văn phòng.
Ông Francis Nguyễn Tuấn Anh - Chuyên gia cấp cao của Microsoft Châu Á - Thái Bình Dương cho rằng trung tâm nên xác định các yếu tố đặc thù, chuyên sâu để tập trung hỗ trợ. Trung tâm cần được quản lý bởi một đơn vị nhà nước và có KPI đánh giá hiệu quả hoạt động.
Chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp, Lý Trường Chiến cũng đồng quan điểm cần có đầu tư chiều sâu để đảm bảo tính hiệu quả. Ví dụ TP HCM muốn làm thành phố thông minh thì trung tâm có hạ tầng phòng lab để phục vụ cho các ý tưởng startup về thành phố thông minh.
Ông Hoàng Linh - CEO Circo đề xuất việc thiết kế Trung tâm phải mang đến cảm hứng cho cộng đồng. Theo đó, cần có công ty kiến trúc đủ khả năng để thiết kế tòa nhà hợp lý. Khi có không gian tốt thì dễ thu hút nhà đầu tư.
Chủ tịch Vinamed Group - Phạm Quang Huy cũng lưu ý khâu thiết kế tòa nhà. Theo ông, nên tập trung vào một số lĩnh vực nhất định để thiết kế tòa nhà cho phù hợp. Ví dụ, các đơn vị R&D về y tế thì lại cần chiều cao thông thủy tầng đến 4,5m để xây được phòng mổ mô phỏng.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hằng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh Niên Khởi Nghiệp (BSSC) cho rằng, cần xác định startup là đối tượng chính cần được hỗ trợ. Trung tâm phải tự chủ tài chính, có nguồn thu ổn định, như vậy mới đảm bảo tính bền vững. Đội ngũ vận hành trung tâm cần có khả năng kết nối và hiểu về cộng đồng khởi nghiệp.
Viễn Thông