Thông tin được ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Nông thôn TP HCM nói tại buổi họp triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Khu nông nghiệp công nghệ cao thành phố (AHTP), sáng 15/3. Theo ông Hiệp, Sở đang xây dựng đề án phát triển nông nghiệp đô thị trình UBND thành phố trong thời gian tới. Một trong những mục tiêu của đề án này là tạo sự gắn kết giữa các Khu nông nghiệp công nghệ cao với các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao.
Ông cho biết, sắp tới ngành nông nghiệp phối hợp với ngành quy hoạch kiến trúc đưa ra các khu vực, vùng có thể phát triển nông nghiệp công nghệ cao, AHTP là hạt nhân. "Chúng tôi cùng các đơn vị liên quan tham mưu chính quyền thành phố xây dựng chính sách hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cho cả vùng, giúp người dân ứng dụng công nghệ cao nhanh hơn", ông Hiệp nói.
Lãnh đao Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn đề nghị cùng các doanh nghiệp trong AHTP triển khai các dự án sản xuất giống chất lượng cao, phục vụ sản xuất. Ông mong muốn AHTP đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, hợp tác quốc tế chuyển giao, lai tạo giống từ nước ngoài, sau đó tổ chức nghiên cứu sản xuất phù hợp với điều kiện tại Việt Nam.
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP HCM lưu ý, phát triển các vùng nông nghiệp công nghệ cao cần tính đến việc người dân sản xuất trên mảnh đất của họ, chứ không phải thu hồi đất để các nhà đầu tư làm. "Nhà đầu tư giữ vai trò phát triển hạ tầng", ông Hoan nói. Gợi ý về việc mở rộng vùng, ông Hoan đặt vấn đề AHTP có thể tổ chức các khu sản xuất nông nghiệp của thành phố ở các địa phương. Muốn làm việc này, đơn vị cần tập trung phát triển nguồn lực con người như đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, cải tiến công nghệ. Điều này tạo ra thương hiệu đủ mạnh và có uy tín để triển khai ở các địa phương.
Hoạt động từ 2010, AHTP được coi là khu nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên của cả nước với diện tích 88,17 ha tại huyện Củ Chi, cách trung tâm TP HCM hơn 30 km về phía Tây Bắc. Đến nay, đơn vị đã thu hút nhiều dự án đầu tư trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc các lĩnh vực sản xuất giống cây trồng gồm sản xuất hoa lan, cây kiểng và hoa các loại, sản xuất rau sạch, nấm, cây dược liệu, cá, chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp...
Đến nay AHTP xây dựng ngân hàng gene cho ngành nông nghiệp với trên 500 giống, cây con, làm chủ được nhiều quy trình kỹ thuật trồng dưa lưới, khổ qua, nấm... Hàng năm, đơn vị cung cấp 900.000 cây giống, 1 triệu cây cấy mô các loại cho nông dân. AHTP đã đăng ký bảo hộ hai giống dưa lưới, khổ qua tại Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới (Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn), đăng ký 5 giải pháp hữu ích và được chấp nhận đơn từ Cục Sở hữu Trí tuệ. Hiện, AHTP triển khai hai dự án mở rộng thêm 23,3 ha tại xã Phước Vĩnh An (Củ Chi) và xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao thủy sản tại huyện Cần Giờ.
Hà An