Chiều 14/11 Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM phối hợp Viện nghiên cứu Phát triển tổ chức lấy ý kiến về dự thảo cơ chế huy động chuyên gia tư vấn, phản biện chính sách của thành phố. Theo dự thảo, thành phố dự kiến thu hút chuyên gia tư vấn kinh tế - xã hội giải quyết các vấn đề cấp thiết theo bốn hình thức: thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc các chương trình nghiên cứu theo định hướng thành phố; chuyên gia thực hiện các báo cáo khoa học phân tích, đánh giá vấn đề theo đặt hàng của đơn vị huy động; chuyên gia viết bài đóng góp ý kiến tư vấn phản biện chính sách tại các hội thảo khoa học; thông qua các sự kiện kết nối định kỳ chuyên gia tham gia đóng góp ý kiến phản biện giải quyết các vấn đề của thành phố.
Kinh phí chi trả cho chuyên gia thực hiện theo Thông tư liên tịch 55 của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính ban hành năm 2015 về xây dựng và phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước và các văn bản liên quan.
TS Trần Du Lịch, nguyên thành viên tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng cho rằng, "cơ chế hấp thụ tri thức của cơ quan hành chính đang "nghẽn" tương tự cơ chế hấp thụ vốn của các dự án công hiện nay". Ông Lịch cũng dẫn một số ví dụ cho thấy nhiều chuyên gia từng đóng góp giải pháp cho thành phố khi quy hoạch các khu vực trũng thấp, sông rạch cần giữ lại 5 - 7% đất tự nhiên để làm hồ điều tiết, giữ nước khi triều cường. Tuy nhiên "góp ý không được đưa vào cuộc sống, cơ quan nhà nước không hấp thụ được", ông Lịch nói, điều này khiến nhà khoa học nản không đóng góp nữa.
Ông Lịch cũng đưa ra 3 đề xuất: Thứ nhất, cần đánh giá tổng thể tiềm năng của chuyên gia, nhà khoa học ở TP HCM, cũng như khả năng thu hút chuyên gia nước ngoài. Thứ hai, cần nhìn nhận những vướng mắc, tồn tại trong việc hấp thụ tri thức chuyên gia của cơ quan nhà nước, trong đó có cả cơ chế tài chính. Thứ ba, cần xác định TP HCM sẽ đột phá về vấn đề nào trong cơ chính sách thu hút chuyên gia. Trên cơ sở đề án này, cơ quan tham mưu sẽ xây dựng dự thảo quy định về cơ chế chính sách thu hút chuyên gia phản biện chính sách cho thành phố.
TS Võ Kim Cương, nguyên phó kiến trúc sư trưởng TP HCM cho rằng, đề án thu hút chuyên gia cần giải quyết hai vấn đề cốt lõi là việc đánh giá, lựa chọn chuyên gia phù hợp với nhu cầu của thành phố và việc đối xử với họ thông qua cơ chế tài chính, trả thù lao.
Theo ông Cương, việc thuê chuyên gia tư vấn cần ký hợp đồng theo đầu công việc, trả thù lao tương xứng với đóng góp của họ. Tuy nhiên nếu áp dụng theo cơ chế tài chính hiện hành, bằng các nhiệm vụ khoa học thì chuyên gia phải thực hiện các thủ tục phức tạp.
Ông cho rằng, bản chất của khoa học là có tính đột phá nhưng đi kèm rủi ro. Do vậy cần có cơ chế tài chính linh hoạt hơn vì nếu làm không khéo chuyên gia lo sợ thanh tra, kiểm tra.
PGS.TS Phan Xuân Biên đề xuất cơ chế khoán cho nhà khoa học theo nhiệm vụ thành phố đặt hàng, không nên thực hiện các quy định như Thông tư 55 hiện nay. "Cơ chế khoán giúp cơ quan nhà nước đánh giá sản phẩm sau cùng của chuyên gia giúp họ dễ thở hơn. Nếu khắt khe trong việc này sẽ làm khó cho nhà khoa học vì họ cũng là những người rất tâm huyết và trăn trở cho sự phát triển đất nước", ông Biên nói.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM ghi nhận ý kiến đóng góp của chuyên gia và cùng Viện nghiên cứu phát triển, tổng hợp xây dựng kế hoạch tham mưu UBND thành phố đề xuất các cơ chế thu hút chuyên gia phù hợp các quy định nhà nước, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà khoa học đóng góp giải pháp cho các vấn đề của thành phố.
Dự thảo cơ chế thu hút chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia tư vấn, xây dựng và phản biện chính sách của TPHCM. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì; Viện nghiên cứu phát triển Sở Tài chính và các đơn vị khác phối hợp xây dựng. Mục đích của chương trình là huy động chuyên gia, nhà khoa học tư vấn, phản biện hỗ trợ tham mưu chính quyền thành phố trong việc xây dựng chính sách trong cách lĩnh vực tài chính, y tế, khoa học công nghệ, môi trường... phản biện những nội dung còn thiếu, chưa phù hợp, kiến nghị những nội dung thiết thực trong các văn bản chính sách của thành phố.
Hà An