Với 3.218 ca nhiễm tính đến tối 27/6, gần 40.000 người đang cách ly tại TP HCM, trong đó khoảng 12.000 người cách ly tập trung, gần 28.000 trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết thành phố đang mở rộng công suất các khu cách ly tập trung tại địa bàn.
Hiện, ngoài các khu cách ly tập trung cấp thành phố ở ký túc xá Đại học Quốc gia, Bệnh viện quận 7, Bệnh viện Cần Giờ, hai khu của quân đội và hàng chục ký túc xá, theo yêu cầu chính quyền TP HCM, 21 quận huyện phải chuẩn bị mỗi địa phương 200 chỗ cách ly tập trung. Riêng TP Thủ Đức phải có 600 chỗ đáp ứng nhu cầu cách ly trường hợp tiếp xúc gần ca dương tính.
Vấn đề cách ly F1 tại nhà đã được Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn gợi ý TP HCM nhiều lần để giảm tải cho các khu cách ly tập trung. Ngày 27/6, Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn thí điểm cách ly F1 tại nhà ở TP HCM để thành phố xem xét, áp dụng. Trước đó, 2 địa phương ghi nhận số ca nhiễm nhiều là Bắc Giang và Bắc Ninh cũng được thí điểm việc này.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, F1 ở TP HCM được cách ly tại nhà 28 ngày nếu đảm bảo có phòng riêng, khép kín, tách biệt khu sinh hoạt chung gia đình. Người cách ly không ra khỏi phòng; không tiếp xúc người trong gia đình và vật nuôi. F1 luôn cài đặt và bật ứng dụng khai báo y tế hàng ngày như VHD (Vietnam Health Declaration), Bluzone; tự đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe để cập nhật...
Tại cuộc họp mới đây, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết ngành y tế thành phố đang nghiên cứu, cân nhắc tổ chức cách ly F1 tại nhà. Việc giám sát F1 tại nơi ở giúp người bị cách ly tâm lý nhẹ nhàng, nhà nước đỡ chuẩn bị cơ sở để cách ly tập trung khi số F1 tăng cao. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo hôm 19/6, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 thành phố cho biết TP HCM chưa dùng biện pháp này.
Liên quan vấn đề trên, PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nói số ca nhiễm tăng lên thì phương án cách ly F1 tại nhà là cần thiết. Bởi khi khu cách ly tập trung bị quá tải, không đủ điều kiện vật chất, nhân lực để phục vụ có thể dẫn đến lây nhiễm chéo.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM) cũng đồng tình phương án cách ly F1 tại nhà trong bối cảnh dịch ở thành phố diễn biến phức tạp. "Vấn đề là bảo đảm giám sát để suốt thời gian cách ly F1 không ra khỏi nhà. Nếu làm được điều này, việc cách ly tại nhà còn tốt hơn nơi giám sát tập trung", ông Khanh nói.
Cách ly F1 tại nhà đã được áp dụng tại nhiều nơi trên thế giới, nhất là các nước phương Tây. Biện pháp này còn là lựa chọn của một số chính phủ tại châu Á, như Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... nhằm giảm gánh nặng về nguồn lực xã hội.
Ở góc độ địa phương, Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Đinh Khắc Huy cho biết, thời gian qua khi dịch bùng phát, quận huy động mọi lực lượng thực hiện cách ly tập trung nhiều ca F1 ở địa bàn. Do đó nếu quản lý thêm ca F1 tại nhà, địa phương sẽ phải tăng cường thêm lực lượng, có thể "làm không xuể".
"Người dân sẽ thấy thoải mái hơn khi cách ly tại nơi ở nhưng chính quyền phải dàn trải lực lượng để kiểm soát, có thể dẫn đến quá tải hoặc để xảy ra lây nhiễm chéo nếu quản lý không chặt", ông Huy nói.
"Một người cách ly tại nhà có khả năng sinh hoạt chung với nhiều người trong gia đình, rất khó tuân thủ phòng dịch như cách ly ở trung tâm", bác sĩ Nguyễn Trung Hoà, Giám đốc trung tâm y tế quận Gò Vấp nói và cho biết để giám sát F1 tại nhà hiệu quả cần quy định chặt chẽ từ nơi ở, yếu tố dịch tễ để tránh xảy ra lây nhiễm chéo hoặc hình thành ổ dịch.
Ngày 27/6, Việt Nam ghi nhận thêm 314 ca trong nước. Trong đó, 284 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc nơi phong tỏa. Bắc Giang vẫn là địa phương nhiều ca nhiễm nhất với 5.630, tiếp đó TP HCM và Bắc Ninh, Hà Nội với số ca nhiễm lần lượt là 3.218, 1.573, 468. Riêng Bình Dương, vùng dịch lớn thứ hai phía Nam ghi nhận 262 ca, vượt Đà Nẵng xếp thứ 5 cả nước.
Hữu Công - Đình Văn