![]() |
Phun thuốc sát trùng tại các trại nuôi gà. |
Sở sẽ cấp kinh phí mua bình xịt thuốc khử trùng trang bị cho các trạm y tế phường, xã trên toàn thành phố. Khi cần thiết có thể cho người dân mượn. Sở cũng vận động người dân thực hiện "5 không" với gia cầm và các sản phẩm của chúng: không mua, không bán, không ăn, không nuôi, không vận chuyển.
Ông Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng, yêu cầu tất cả các ca nghi ngờ cúm type A phải được theo dõi theo chỉ định dịch tễ; thanh, khử trùng môi trường ngay khu vực đó, không đợi kết quả xét nghiệm.
Mặt khác, trước đây do tình hình khẩn cấp, không có khả năng thiêu huỷ kịp, nên nhiều nơi chọn phương án chôn gia cầm. Đến nay một số địa điểm đã bốc mùi hôi gây ô nhiễm. Ông Thọ đề nghị khẩn trương theo dõi lại những nơi xử lý gà tập trung; thanh, khử trùng nhiều lần, tiếp tục theo dõi các hộ gia đình có buôn bán gà; tổ chức mạng lưới cấp thuốc Chloramin B cho dân.
Ông Lê Trường Giang đánh giá việc chôn gà có khả năng thẩm thấu và gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến thủy sản. Vì vậy thành phố đã tiến hành lập bản đồ các điểm chôn gà để theo dõi xử lý nước.
Cũng theo ông Giang, đến nay thành phố đã xử lý xong các trại gà có 300 con trở lên, đang thực hiện ở những hộ nhỏ hơn. Chiến dịch này tiếp tục trong 10 ngày nữa để vận động thu gom gia cầm ở thành phố. Chuẩn bị xử lý luôn những loại gia cầm khác, nhằm giảm mật độ lan truyền virus.
Theo các chuyên gia, thông thường bệnh cấp tính tràn qua rồi chấm dứt. Nhưng dịch cúm này nguy hiểm do nguồn lây ở cạnh ta (khác với dịch SARS trước đây, nguồn lây từ ngoài vào) và ở khắp nơi. Dịch cúm gà nếu có chấm dứt thì nguồn lây nhiễm vẫn có thể đang tồn tại. Do đó ngành y tế phải chuẩn bị tinh thần “chiến đấu” lâu dài.
Để tránh cho Bệnh viện Nhiệt đới quá tải, Sở Y tế TP HCM cũng chỉ đạo các quận, huyện cần có phòng cách ly để lưu giữ, theo dõi bệnh nhân cúm ho thông thường. Khi có các biểu hiện nặng hơn mới chuyển sang Bệnh viện Nhiệt đới.
Thiên Phúc