Hàng loạt ứng dụng đi chợ hộ, giao hàng như Grab, Gojek, Be, ShopeeFood... đều xác nhận việc mở lại hoạt động liên quận từ 6h sáng nay (16/9) sau khi UBND TP HCM ban hành công văn cho phép từ chiều qua.
Grab cho biết 3 dịch vụ là giao hàng (GrabExpress), đi chợ (GrabMart) và giao đồ ăn (GrabFood) sẽ giao liên quận trong 6h đến 20h mỗi ngày. Khách hàng được khuyến cáo đặt hàng trước 20h mỗi ngày để tài xế có thể giao kịp trước giờ hạn chế đi lại. Phía ShopeeFood và Be cũng hoạt động cùng khung giờ này.
Riêng ShopeeFood ghi nhận nhu cầu người dùng hôm nay tăng gấp 4 lần so với giai đoạn trước, khi có rất nhiều đơn hàng được giao thành công tập trung ở 3 dịch vụ chính: Food (giao đồ ăn), Fresh (đi chợ hộ) và Shopee Express Instant (giao hàng).
Ông Nguyễn Việt Linh, Giám đốc truyền thông BeGroup cho biết nền tảng này có 3.000 tài xế sẵn sàng cho dịch vụ Be Giao hàng và Be Đi chợ liên quận.
Gojek hiện vận hành liên quận dịch vụ GoFood và GoSend từ 6h đến 21h hàng ngày.
Một số người dùng cho biết vẫn khó tìm được tài xế cho các đơn hàng khác quận, huyện của mình. Có khách hàng đã thanh toán xong, đợi 10 phút thì cửa hàng mới xác nhận đơn. Hệ thống chuyển sang tìm tài xế, nhưng 15 phút sau, đơn hàng bị huỷ vì shipper đều bận.
Nguyên nhân là chưa nhiều tài xế hơn tham gia vào giao hàng liên quận so với lực lượng vốn chạy nội quận những ngày qua. Trên các nhóm cộng đồng shipper, nhiều thành viên phản ánh, các thủ tục để hoạt động trở lại vẫn còn trục trặc.
Anh Tấn, tài xế khu vực Tân Phú chia sẻ, khuya hôm qua trước khi ngủ, anh đã tra cứu tên của mình trên cổng thông tin "Tra cứu Shipper" của Sở Công thương và chụp màn hình lại kết quả. 5h sáng, anh thức dậy và chuẩn bị đến trạm y tế lưu động để xét nghiệm. Nhưng tra cứu thông tin lần nữa thì lại bị trả về kết quả "không tìm thấy thông tin nhân viên".
"Tôi đã liên hệ với công ty nhưng nhân viên chỉ nhắn chờ hệ thống khắc phục. Đây là công việc, là cuộc sống của tôi và các anh em, sao có thể chờ mãi", anh nói đã nghỉ ở nhà từ cuối tháng 7 đến nay và hiện dần không còn nguồn tiền dự phòng.
Anh Tí, shipper khu vực TP Thủ Đức, sáng nay đến trạm y tế lưu động tại phường Hiệp Bình Chánh để test nhanh. Tuy nhiên, nhân viên tại đây thông báo anh không có tên trong danh sách mà UBND phường gửi qua. Anh Tí trình bày đã được công ty đăng ký và Sở Công thương cấp phép hoạt động và đưa bằng chứng cho nhân viên xem xét. Thế nhưng người này vẫn thông báo anh quay về nhà, có thể ngày mai anh mới nằm trong danh sách được test nhanh miễn phí.
Hay như có trường hợp shipper có tên trong cổng "Tra cứu Shipper" của Sở Công Thương nhưng khi hoạt động thì một số chốt kiểm soát không cho qua với lý do chốt dùng ứng dụng "Khai báo di chuyển nội địa", khi bấm vào mục "Kiểm tra shipper TP HCM" thì không có tên.
ShopeeFood cũng cho hay đã gửi danh sách các tài xế đủ điều kiện với số lượng tăng lên đến 120% so với giai đoạn trước và chờ phản hồi từ Sở Công Thương. Đơn vị này cũng đã nhận phản hồi về một số khó khăn từ các shipper trong quá trình giao hàng sáng nay và đang cố gắng lắng nghe và phối hợp các đối tác, cũng như làm việc làm việc chặt chẽ với cơ quan chức năng để tạo điều kiện.
Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Nguyên Phương trong cuộc họp báo chiều 16/9 lý giải, do số liệu báo cáo từ các đơn vị vận chuyển chưa đầy đủ nên chưa thể đánh giá được chính xác tình hình. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ chủ quan, số lượng shipper đăng ký hoạt động của 33 đơn vị là 160.000 người, nhưng thực tế đang hoạt động chỉ có khoảng 20.000 người, số lượng rất thấp so với nhu cầu của người dân.
Khi các rào cản được nới lỏng dần, số lượng shipper có thể sẽ phục hồi dần. Đại diện Loship tính toán, mức phục hồi sẽ khoảng 50% so với trước dịch nhưng vẫn có thể thiếu hụt do nhiều lao động ngoại tỉnh dời thành phố vì dịch.
Như tại Loship, số shipper được phép hoạt động tại TP HCM khoảng 8.000 người một ngày. 70% đơn hàng đến từ nhu cầu giao hàng liên quận. Với lượng được bổ sung, Loship cho rằng số đơn hoàn thành sẽ cải thiện, đạt 50-60% tổng đơn một ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ hoàn thành đơn vẫn còn phụ thuộc vào cửa hàng hoạt động nên cán cân cung cầu sẽ cần thêm thời gian để cân bằng trở lại.
"Trước đây khi các quy định chưa rõ ràng, phần lớn shipper đều cảm thấy lo lắng trong việc đi giao hàng không may bị phạt. Hiện các chính sách đã rõ ràng hơn sẽ giúp cải thiện thu nhập của shipper cũng như giảm bớt nỗi lo bị phạt khi giao hàng", đại diện Loship nói.
Theo công văn do UBND TP HCM ban hành chiều 15/9, lực lượng giao hàng công nghệ (shipper) hoạt động liên quận với điều kiện đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch và xét nghiệm mẫu gộp 3 người, tần suất 2 ngày một lần. Thành phố chi trả xét nghiệm đến hết ngày 30/9.
Một điểm mới ở lần này là nhân viên doanh nghiệp cũng được thực hiện giao nhận hàng, song chỉ đi trong một quận huyện, phải xét nghiệm mẫu gộp 3, tần suất 2 ngày một lần, kinh phí do doanh nghiệp trả.
Đánh giá cao chính quyền TP HCM đã lắng nghe và điều chỉnh nhanh chóng, phù hợp, đại diện Gojek cho biết, rất mong các sở, ban, ngành xem xét đề xuất tăng số lượng shipper hoạt động, giúp đảm bảo liền mạch chuỗi cung ứng.
Trước đó, từ ngày 26/7, TP HCM yêu cầu shipper chỉ hoạt động một quận huyện để thuận tiện cho công tác quản lý, cũng như ngừa nguy cơ lây lan dịch. Các shipper khi giao hàng phải có bảng tên bằng thẻ cứng kèm hình, nhận diện bằng QR code, đeo băng tay nền xanh đậm, in chữ "Shipper" màu trắng, kích thước ống đeo cao 20 cm; xét nghiệm âm tính nCoV.
Viễn Thông - Tất Đạt