Học sinh trường Tiểu học Kỳ Đồng. |
Như vậy, vào ngày 27/5 tới, hơn 80 nghìn học sinh tiểu học thuộc 441 trường của thành phố vẫn sẽ tiến hành thi tốt nghiệp với 2 môn Toán và Tiếng Việt.
Lý giải vấn đề này, ông Minh nói: “Đây là cách công bằng nhất để đánh giá trình độ kiến thức của các em. Kết quả kỳ thi tiểu học những năm qua khá thuyết phục. Còn năm nay, ngành giáo dục thành phố đã có sự chuẩn bị rất tốt, không chỉ về cơ sở vật chất mà cả tâm lý cho học sinh cũng như các bậc phụ huynh. Tất cả đã đi vào nề nếp, nếu muốn thay đổi nguyên tắc này thì cần phải có một sự chuẩn bị chu đáo".
Cùng quan điểm trên, bà Dương Thị Ngọc Thu - Hiệu trưởng trường Tiểu học Kỳ Đồng - cho biết : “Là nhà quản lý giáo dục tôi thấy kỳ thi này là hết sức quan trọng vì nó đánh giá quá trình của học sinh qua 5 năm học tập. Chủ trương bỏ kỳ thi tiểu học của Bộ GD&ĐT có ưu điểm là tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước, giảm bớt lo lắng căng thẳng cho các em và phụ huynh. Thế nhưng với TP HCM thì chưa phải là năm nay vì hiện tại các em học sinh lớp 5 đang chuẩn bị rất tốt, sẵn sàng cho kỳ thi cuối cấp. Tôi cho rằng, nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp tiểu học thì Bộ GD&ĐT cần có quy chế rõ ràng”.
Bà Dương Thị Ngọc Thu: "Kỳ thi tốt nghiệp tiểu học là rất quan trọng". |
Bà Thu khẳng định, theo Luật Giáo dục, học sinh qua mỗi cấp phải được kiểm tra bằng các kỳ thi. Nếu bỏ kỳ thi này thì sau đó phải tổ chức thi tuyển vào lớp 6. Như vậy, việc thi cử với các em sẽ càng căng thẳng, vì dù sao được thi tại trường cấp I, có bạn bè, thầy cô quen thuộc vẫn tốt cho tâm lý hơn. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 61% học sinh tiểu học sau khi tốt nghiệp được vào hệ A (chính quy) còn lại 39% vào hệ B (bán công). “Nếu bỏ thi tốt nghiệp lớp 5 mà tiến hành kỳ thi tuyển vào lớp 6 thì tỷ lệ chênh lệch trên sẽ lớn hơn”, bà Thu dự đoán.
Chị Trần Thị Sơn (phường 9, quận 3) tâm sự: “Là phụ huynh ai không mừng khi nghe Bộ GD&ĐT có chủ trương hạn chế bớt việc thi cử cho con em mình. Nhưng tôi cũng rất lo vì nếu bỏ kỳ thi trên sẽ làm cho các em có tâm lý ỷ lại, không chịu học". Vì bận công việc suốt ngày, không có nhiều thời gian chăm lo việc học hành cho các con nên chị Sơn vẫn muốn có kỳ thi tốt nghiệp tiểu học hằng năm.
Khác với chị Sơn, chị Huỳnh Thị Liễu (quận 9) cho rằng cần bỏ ngay kỳ thi tiểu học vì nếu nhà trường tổ chức tốt kỳ thi học kỳ II thì căn cứ vào kết quả này cộng với thành tích học tập 5 năm qua của các em là đã quá đủ để đánh giá học lực. Trong năm các em đã quá bận rộn với chương trình học. Vả lại, tổ chức một kỳ thi tốn rất nhiều tiền lại vừa làm cho học sinh căng thẳng, mệt mỏi.
Nguyễn Rộng