Thanh tra Chính phủ (TTCP) trong kết luận 1037 ngày 26/6 chỉ ra nhiều sai phạm của Thường trực Thành ủy, UBND TP HCM và các sở ngành thời điểm năm 2011, khi làm Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm, nên bị buộc truy thu cho nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.
TTCP xác định, thành phố phê duyệt chi phí đầu tư bình quân 26 triệu đồng/m2 đất thương mại - dịch vụ - nhà ở, giảm gần 50% so với giá các sở ngành đề xuất. Việc này đã làm lợi cho các nhà đầu tư rất lớn do chênh lệch giá đất (chênh lệch địa tô).
Theo Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan, chi phí đầu tư bình quân là tất cả những khoản thành phố bỏ ra để đầu tư vào KĐTM Thủ Thiêm, chia cho bình quân một m2 đất - là cơ sở để đấu giá hoặc giao đất, cho thuê đất. Việc này được thành phố tính toán trong nhiều năm.
Ban đầu thành phố xác định 45-50 triệu đồng/m2 nhưng suốt một thời gian dài kêu gọi không doanh nghiệp nào đầu tư. Vì vậy, thường trực UBND thành phố thời kỳ đó tính toán lại chi phí đầu tư bình quân theo công thức: loại các dự án công trình đầu tư công như trường học, công viên; cầu, đường, hầm kết nối Thủ Thiêm với bên ngoài... Đây là những dự án thành phố vẫn phải làm nếu không có KĐTM Thủ Thiêm. "Quan điểm của thành phố lúc đó là làm sao để có chi phí đầu tư bình quân thấp, nhằm dễ kêu gọi nhà đầu tư", ông Hoan nói.
Tổng chi phí các công trình được loại ra là hơn 17.000 tỷ đồng, gồm: Quảng trường trung tâm, Công viên bờ sông Sài Gòn, Khu lâm viên sinh thái phía Nam, 6 trường công lập và 5 cầu nối từ trung tâm thành phố qua KĐTM Thủ Thiêm. Từ đó, giá đất Thủ Thiêm giao cho doanh nghiệp chỉ còn 26 triệu đồng/m2 như tại các dự án 4 tuyến đường chính KĐTM Thủ Thiêm; cầu Thủ Thiêm 2, hạ tầng khu dân cư phía Bắc...
Sai phạm khác của TP HCM là phê duyệt không đúng tổng mức đầu tư dự án hạ tầng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Theo TTCP, ở dự án 4 tuyến đường chính dài gần 12 km, thành phố duyệt lại giá trị quyền sử dụng đất khu II làm giảm so với giá trị đã được duyệt trước đó hơn 2.400 tỷ đồng. Thành phố ký hợp đồng BT với nhà đầu tư (trong đó xác định giá trị quyền sử dụng đất các khu đất đối ứng để thanh toán hợp đồng là hơn 12.000 tỷ đồng) không đúng quy định. Việc này dẫn đến chênh lệch giảm tiền sử dụng đất hơn 3.900 tỷ đồng so với giá trị đã được UBND thành phố duyệt trước đó...
"Để khắc phục, UBND TP HCM đang phối hợp TTCP, Bộ Tài chính xác định dự án công trình nào phải loại ra, dự án nào phải thêm vào KĐTM Thủ Thiêm để tính lại chi phí đầu tư bình quân. Đây sẽ là cơ sở để thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hưởng lợi từ KĐTM Thủ Thiêm phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với ngân sách", ông Hoan cho biết.
Với các dự án được giao đất không qua đấu giá như Khu phức hợp tháp quan sát diện tích 11,5 ha; Khu phức hợp Sóng Việt diện tích 4,8 ha... UBND thành phố cũng đang tính lại tiền sử dụng đất để thu hồi các khoản còn thiếu. Riêng hai dự án Khu phức hợp thông minh rộng hơn 5 ha (Tập đoàn Lotte làm chủ đầu tư) và Khu phức hợp thể thao giải trí hơn 20 ha (Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư) thành phố đã ngưng thủ tục thực hiện dự án.
Về việc duyệt không đúng quy định dự án BT 4 tuyến đường trong KĐTM Thủ Thiêm với số tiền 1.500 tỷ đồng cho Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh, UBND thành phố thừa nhận sai sót khi vận dụng các cơ chế có lợi cho doanh nghiệp hơn là cho thành phố. UBND thành phố sẽ gửi văn bản cho doanh nghiệp về việc thu hồi khoản tiền trên theo kết luận của TTCP.
Đối với yêu cầu thu hồi về ngân sách 1.800 tỷ đồng và lãi suất chậm nộp từ Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh, ông Hoan cho biết đây là tiền thành phố tạm ứng để làm quảng trường nhưng doanh nghiệp chưa làm. Hiện, công ty này đã đồng ý nộp lại cùng lãi suất phát sinh.
Cách trung tâm quận 1 chừng 300 m đường chim bay, KĐTM Thủ Thiêm tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn, được kỳ vọng đẹp nhất Đông Nam Á. Dự án rộng 930 ha được quy hoạch từ năm 1996, đã giải phóng được 99,7% mặt bằng. Tuy nhiên, hơn chục năm nay vẫn còn khoảng 100 hộ dân khiếu nại vì cho rằng thành phố thu hồi đất của họ sai quy hoạch.
Trong hai kết luận 1483 (ngày 4/9/2018) và 1037 (ngày 26/6), Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm của UBND TP HCM và các bộ, ngành liên quan trong quá trình triển khai dự án như: thu hồi sai 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch; giao đất quy hoạch tái định cư cho 51 doanh nghiệp làm dự án...
Thành phố bị yêu cầu thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng bị cho là tạm ứng sai quy định, duyệt sai tổng mức đầu tư các dự án hạ tầng BT...
TP HCM thực hiện dự án KĐTM Thủ Thiêm không nhằm kinh doanh bất động sản. Phần lớn diện tích được ưu tiên xây dựng các công trình công cộng, dịch vụ mà trung tâm thành phố hiện hữu còn thiếu như: Quảng trường trung tâm, công viên bờ sông; Trung tâm Tài chính; Trung tâm Hội nghị triển lãm quốc tế; Cung Thiếu nhi, Lâm viên sinh thái...
Trung Sơn