Thứ bảy, 30/11/2024
Chủ nhật, 22/3/2020, 06:32 (GMT+7)

TP HCM trước và trong Covid-19

Những con đường, sân bay, bến xe, công viên, trung tâm thương mại... tại TP HCM trở nên vắng vẻ sau khi dịch bệnh bùng phát.

Từ những ca nhiễm đầu tiên Vũ Hán, Trung Quốc tháng 12/2019, dịch Covid-19 đã lan ra nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Tại TP HCM, tính đến chiều 21/3, ghi nhận 21 ca nhiễm nCoV, trong đó 3 ca đã khỏi. Chính quyền thành phố khuyên người dân ở trong nhà, tránh tụ tập đông đúc nơi công cộng.

Các tụ điểm đông người như vũ trường, quán bar, beerclub, massage, karaoke, rạp chiếu phim... được lệnh đóng cửa. Nhiều khu vực trong thành phố với quang cảnh vắng vẻ hơn ngày thường.

Tại trục đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) hướng về trung tâm thành phố tháng 6/2019 và ngày 18/3. Đây là một trong những tuyến đường chính của khu Nam Sài Gòn vào trung tâm, thường xuyên xảy ra cảnh ùn tắc giao thông.

Cầu Bình Triệu kẹt cứng hồi cuối tháng 1 và sự thông thoáng hiện tại. Bình Triệu bắc qua sông Sài Gòn, dẫn vào bến xe miền Đông, là một trong những cây cầu huyết mạch của thành phố và thường xuyên bị ùn tắc vào giờ cao điểm.

Bến xe Miền đông (quận Bình Thạnh) thời điểm tháng 1 năm nay và ảnh chụp ngày 18/3. Là điểm tập trung đông người, bến xe đã tổ chức phun khử khuẩn, bắt buộc người dân đeo khẩu trang, tuyên truyền phòng chống Covid-19.

Sảnh đón người thân ở ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất tháng 1/2019 và sự vắng vẻ vào ngày 19/3.

Thời điểm bùng phát Covid-19, sân bay ngày càng ít khách do tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm. Khi quyết định tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong thời gian 30 ngày bắt đầu từ 0h ngày 18/3 làm cho sân bay thêm vắng vẻ.

Nhà thờ Đức Bà tháng 2/2019 và sự vắng vẻ ngày 19/3. Nhà thờ Đức Bà xây năm 1877, hoàn thành sau ba năm. Sau hơn 140 năm, nhà thờ đã trở thành một công trình kiến trúc biểu tượng của Sài Gòn, thu hút nhiều du khách tham quan mỗi ngày. Công trình được trùng tu năm 2017 và dự kiến hoàn tất năm 2025.

Chợ Bến Thành tháng 12/2019 và ngày 16/3. Chợ xây dựng năm 1912 và hoàn thành sau 2 năm với diện tích hơn 13.000 m2. Ngành hàng kinh doanh chủ yếu là quần áo, vải sợi, giày dép, thời trang, hàng thủ công mỹ nghệ, thực phẩm tươi sống, trái cây, hoa tươi...

Từ lâu chợ Bến Thành là điểm du lịch nổi tiếng ở thành phố, thu hút nhiều du khách trong ngoài nước.

Công viên 30/4 (quận 1) tháng 4/2019 và ngày 16/3. Quanh công viên là các công trình kiến trúc nổi bật của thành phố như nhà thờ Đức Bà, dinh Thống Nhất, Bưu điện thành phố... nên nơi đây thường là điểm vui chơi, dạo mát của nhiều người dân, du khách.

Đông nghẹt người vui chơi ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn (quận 1) trong dịp nghỉ lễ 30/4/2019 và cảnh đìu hiu ngày 16/3.

Thảo Cầm Viên Sài Gòn xây dựng năm 1864 với tên gọi đầu tiên là Vườn Bách Thảo. Là nơi bảo tồn động thực vật có tuổi thọ đứng hàng thứ 8 trên thế giới, Thảo Cầm Viên cũng là một trong những công viên lớn nhất nước với hơn 1.000 cá thể động vật, hơn 2.000 cây gỗ thuộc 260 loài, hàng chục loại lan, xương rồng, bonsai và thảm cỏ xanh trên diện tích hơn 17 ha.

Một cửa hàng trong trung tâm thương mại trên đường Đồng Khởi (quận 1) tháng 11/2019 và ngày 16/3. Các cửa hàng cho biết, do ảnh hưởng của Covid-19 nên tình hình kinh doanh lâm cảnh ế ẩm.

Cảnh đối lập của phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) tháng 9/2019 và thời điểm ngày 16/3. Từ khi đi vào hoạt động, phố đi bộ là điểm tham quan phổ thông của người dân, du khách. Nhiều sự kiện công cộng thường được tổ chức ở đây.

Chùa Ngọc Hoàng (quận 1) tháng 1/2019 và trong ngày 20/3 năm nay. Chùa còn có tên khác là Phước Hải xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 20. Chùa có kiến trúc kiểu đền chùa Trung Hoa, bên trong đặt tượng thờ, bao lam, liễn đối, hương án... bằng các chất liệu gỗ, gốm, giấy bồi.

Hàng ngày khách trong và ngoài nước đến chiêm bái chùa đông đúc. Lễ hội lớn nhất là Vía Ngọc Hoàng diễn ra mùng 9 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm. Ngôi chùa từng được Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thăm năm 2016.

Cảnh đông đúc của phố đi bộ Bùi Viện (quận 1) trong tháng 10/2019 và sự vắng vẻ ngày 17/3. Từ lâu, Bùi Viện được gọi là "phố Tây", nơi tập trung nhiều khách quốc tế, luôn nhộn nhịp về đêm.

Khi nhiều quán bar, vũ trường, beerclub... ở phố Tây Bùi Viện phải đóng cửa khi có lệnh khiến nơi đây thưa thớt du khách, không còn sự náo nhiệt, tấp nập thường thấy.

Quỳnh Trần