Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP HCM cho biết, lãnh đạo TP HCM mấy ngày nay họp liên tục, bàn thảo phương án trình Quốc hội giải quyết tình trạng người nghiện đang tràn lan mà thành phố phải "bó tay" vì các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.
"Sáng nay Chủ tịch UBND TP HCM đã chấp thuận dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội. Thành phố sẽ cử một tổ ra để chứng minh, thuyết phục, cung cấp cho các đại biểu thông tin nhằm bảo vệ trước Quốc hội", tướng Minh cho biết.
Theo phương án này, ngoài các tổ chức xã hội quy định, đề nghị Quốc hội cho phép ngay UBND TP HCM thành lập một số trung tâm tiếp nhận, quản lý đối tượng xã hội. Trung tâm có chức trách, thẩm quyền như sau:
Một là tiếp nhận, quản lý, cắt cơn giải độc, tư vấn ban đầu cho người nghiện khi vào trung tâm theo quyết định của chủ tịch UBND cấp xã được quy định tại Điều 131, Luật xử lý vi phạm hành chính và khoản 1, 2 Điều 14 Nghị định 221/2013/NĐ-CP.
Hai là, bác sĩ, y sĩ thuộc trung tâm có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy. Họ đã có kinh nghiệm xác định người nghiện mà không cần được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận.
Ba là, tiếp nhận, phân loại, đề xuất và chuyển người có quyết định của tòa án áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc phù hợp với kết quả phân loại.
Theo UBND TP HCM, Trung tâm này sẽ là đơn vị sự nghiệp công lập, do ngân sách địa phương bố trí kinh phí hoạt động.
Dự thảo nghị quyết này có hiệu lực thi hành là 3 năm. Sau đó, Chính phủ và Ủy ban Các vấn đề xã hội có trách nhiệm theo dõi việc triển khai và đánh giá, tổng kết thực hiện Nghị quyết, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật xử lý vi phạm hành chính.
"Nội dung mà chúng tôi đưa ra không có gì phản bác Luật xử lý vi phạm hành chính, mặc dù đúng là Luật này có bất cập", ông Minh nhấn mạnh.
Về bước tiếp theo để đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện bắt buộc, theo tướng Minh, để không kéo dài thời gian, các cơ quan liên quan sẽ ngồi lại với nhau xem xét, ra quyết định. Điều này sẽ bớt được các công đoạn trong Luật xử lý vi phạm hành chính.
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội sáng 31/10, ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn đại biểu TP HCM cho biết, trong cuộc họp với Thường trực Ủy ban Pháp luật, TP HCM kiến nghị Quốc hội cho phép dưới hình thức một Nghị quyết hoặc lồng ghép vào nội dung của Nghị quyết về kinh tế xã hội tại kỳ hợp thứ 8, giao cho thành phố quản lý, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy tại Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội thay cho tổ chức xã hội, trong khi chờ lập hồ sơ ban hành quyết định của tòa án.
“Thà làm như vậy mình còn nhân đạo hơn là để như hiện nay. Để họ ngoài cộng đồng rất nguy hiểm, là nguồn phát sinh tội phạm. Thiếu ăn, thiếu đói, thiếu thuốc thì họ làm bậy. Họ rủ rê những người khác, dụ dỗ con nghiện mới làm đủ mọi cách để có thuốc hút. Nếu nói phải có nhân văn nhân đạo thì việc giúp họ cai nghiện một cách hiệu quả, quản lý để họ không phát sinh tội phạm mới cũng là nhân văn nhân đạo”, vị trưởng đoàn chia sẻ.
Trước đây, để đưa người nghiện vào các trung tâm thì chỉ cần UBND huyện ra quyết định. Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2014 khi Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thì tòa án có trách nhiệm đưa ra quyết định này vì liên quan đến quyền con người. Muốn đưa người nghiện ra tòa thì bản thân họ phải có thời gian được giáo dục tại cồng đồng, gia đình 3-6 tháng và vẫn tái nghiện. Tuy nhiên thực tế giáo dục tại cộng đồng không hiệu quả, tái nghiện nhiều khiến gia đình cũng chán, chưa kể nhiều người nghiện vô gia cư, thất nghiệp.
Theo ông Huỳnh Thành Lập, vướng mắc ở đây là ai quản lý họ trong vòng 3-6 tháng. Luật quy định do tổ chức xã hội quản lý, nhưng tổ chức xã hội là ai, tổ chức nào thì lại chưa làm rõ. “Cũng vì những vướng mắc đó mà giờ con nghiện tràn ngập cộng đồng, thậm chí họ thách thức dư luận, xã hội, pháp luật; không sợ ai, không sợ pháp luật”, đại biểu Lập nói.
Ủng hộ giải pháp của TP HCM, đại biểu Nguyễn Thị Khá cho biết, chủ trương chung là như nhau, nhưng khó khăn nhất là TP HCM, Hải Phòng - những nơi có người nghiện đông. Đây lại là trung tâm kinh tế nên lao động từ rất nhiều vùng miền đến, thường không có nơi ở cố định rất khó trong việc quản lý.
“Tôi rất ủng hộ TP HCM phải có giải pháp như thế. Chúng ta không nên chỉ nghĩ một chiều là đem họ vô cai nghiện là mất quyền công dân, đưa họ vào đấy là đảm bảo cho họ có sức khỏe, cho họ có công ăn việc làm. Điều này cũng hạn chế tệ nạn xã hội xảy ra vì khi lên cơn nghiện, thiếu thuốc họ có thể làm mọi việc, cướp giật, đâm thuê chém mướn”, đại biểu Khá chia sẻ.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền thừa nhận, nhìn chung trên cả nước việc đưa người nghiện vào trung tâm cai bắt buộc có sự chậm trễ và theo phản ánh thì thủ tục phức tạp. Một yêu cầu đặt ra là để họ ngoài xã hội thì gây rất nhiều nguy cơ, nhưng đưa họ vào trong trại thì phải có quy trình để đảm bảo quyền con người của họ. Đây là bài toán rất khó. Kiến nghị của TP HCM dựa trên cơ sở thực tiễn, vấn đề là những bất cập đó xuất phát từ việc tổ chức thực hiện hay pháp luật.
“Định hướng luật là đúng, nhưng đáng lẽ nghị quyết thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính phải có bước quá độ, để từ cơ quan hành chính đến cơ quan tư pháp có bước chuyển. Chúng ta không lường hết được thực tiễn nên đã gây khó khăn cho các địa phương”, đại biểu Quyền nói.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng bước đầu thực hiện luật đang còn lúng túng, thể chế chưa hoàn thiện, nhất là hiện chưa có tòa án hành chính. Việc này các nước xử rất nhẹ nhàng, trình tự đơn giản, hồ sơ giấy tờ đủ hết qua thẩm tra, thẩm định tòa án xem xét.
“Tôi rất chia sẻ với TP HCM nhưng chính ra Ban Thường vụ thành phố cần chỉ đạo các cơ quan trên địa bàn, trong đó có tòa án, để việc đưa người nghiện vào trung tâm được triển khai tốt hơn. Việc đưa người nghiện vào cơ sở lưu giữ tạm thời, thành phố từng làm rồi nhưng kết quả chưa thỏa đáng”, Bộ trưởng nói.
Về mặt thủ tục, theo Bộ trưởng so với pháp lệnh trước đây không phải quá phức tạp, hồ sơ, giấy tờ, thành phần hội đồng vẫn như thế. Điểm khác là từ hành chính bê sang tòa án, tòa án xem xét thì có thủ tục trình tự, chắc chắn thận trọng hơn nhiều.
Vũ Mai - Nam Phương