Theo Đề án thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn do UBND TP HCM ban hành cuối tháng 9, thay vì bổ nhiệm qua đề bạt, trong năm nay thành phố sẽ thí điểm thi tuyển lãnh đạo, quản lý với chức danh cấp phòng và tương đương, năm tới sẽ áp dụng với cấp sở, huyện và tương đương.
Người được đăng ký dự tuyển phải là cán bộ, công - viên chức, gồm 3 nhóm: nhân sự tại chỗ; từ nơi khác; và được đề cử. Hai nhóm đầu phải nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn hoặc tương đương, còn người được đề cử có thể không nằm trong quy hoạch nhưng được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm đề cử.
Hội đồng thi tuyển chức danh cấp sở, huyện tối đa 17 người, gồm Chủ tịch UBND TP HCM làm chủ tịch; hai Phó chủ tịch gồm Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ, Phó chủ tịch UBND phụ trách đơn vị có chức danh thi tuyển; mời 1-4 chuyên gia, nhà quản lý (nếu cần). Với thi tuyển chức danh cấp phòng, hội đồng thi do lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm người trong tổ chức, tối đa 11 người, có thể mời thêm chuyên gia. Thành viên hội đồng thi không có quan hệ gia đình với ứng viên, không là người đang bị xem xét xử lý hoặc thi hành kỷ luật.
Toàn bộ quy trình tuyển dụng diễn ra trong 75 ngày, tính cả thời gian phúc khảo và giải quyết khiếu nại, tố cáo (nếu có). Nếu hồ sơ được đánh giá đủ điều kiện, ứng viên phải trải qua hai vòng thi: viết (180 phút) và trình bày đề án (70 phút). Sau hai vòng thi, nếu thí sinh có điểm bằng nhau, Hội đồng thi lấy ý kiến cấp uỷ và lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm để quyết định, ưu tiên theo 4 tiêu chí: nữ (với đơn vị chưa có lãnh đạo nữ); người giữ chức vụ cao hơn; chức vụ tương đương thì ưu tiên người giữ chức lâu hơn; nếu không giữ chức vụ lãnh đạo thì ưu tiên người thâm niên lâu hơn.
Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân, cho biết ngay khi còn là dự thảo, đề án đã nhận được hưởng ứng của nhiều cơ quan. Hiện, đã có 8 đơn vị với hơn 10 vị trí đăng ký thi tuyển chức danh cấp phòng gồm các sở: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Công Thương, Ban An toàn giao thông, Viện Nghiên cứu Phát triển, UBND TP Thủ Đức, quận 1 và huyện Hóc Môn.
"Thi tuyển lãnh đạo, quản lý là nỗ lực của thành phố trong cải cách chế độ công vụ, tạo động lực và giữ chân cán bộ, công, viên chức", ông Nhân nói và cho rằng việc này sẽ nâng tính cạnh tranh, cơ hội thăng tiến cho cán bộ, cải thiện môi trường làm việc.
Ở góc nhìn chuyên gia, TS Nguyễn Thị Thiện Trí, Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Đại học Luật TP HCM đánh giá đề án cho thấy quyết tâm đổi mới của chính quyền thành phố, góp phần chuyển đổi mô hình quản lý nhân sự từ chức nghiệp cứng nhắc sang mô hình việc làm, phù hợp xu hướng thế giới. "Một đội ngũ lãnh đạo, quản lý được hình thành qua thi tuyển là bước đầu để tạo lập bộ máy nhân lực có khả năng đề kháng với cám dỗ, tiêu cực", bà nói.
Đồng quan điểm, TS Cao Vũ Minh, giảng viên môn Luật Hành chính, Đại học Kinh tế - Luật TP HCM, nói việc thi tuyển lãnh đạo, quản lý sẽ vừa tạo cơ hội cho người bên ngoài đơn vị, vừa tăng tính cạnh tranh và năng lực, phẩm chất của vị trí việc làm.
"Đây là làn gió mới cần được nhân rộng tại TP HCM", ông nói và cho rằng đề án rất có giá trị trong bối cảnh đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng. Bởi lẽ, một ekip vận hành lâu năm rất dễ xảy ra tiêu cực vì che giấu cho nhau, nhưng khi một người mới tham gia vào hệ thống sẽ tạo sự cạnh tranh sòng phẳng. Cơ chế này giúp kiểm tra, giám sát tốt hơn, hạn chế tình trạng "con quan làm quan, con tướng làm tướng, người ngoài thì không bao giờ có cửa".
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đánh giá đề án của TP HCM còn những hạn chế khiến cơ chế thi tuyển khó tạo bứt phá. Cụ thể, theo TS Trí, việc quy định hầu hết người được thi tuyển phải thuộc diện quy hoạch, hoặc phải đủ điều kiện quy hoạch mới được đề cử cho thấy tiêu chí tuyển chưa tập trung nhiều vào chuyên môn và năng lực, mà chủ yếu là quy hoạch và thâm niên.
"Phạm vi đối tượng tham gia hẹp thì hạn chế được xáo trộn, nhưng khả năng cạnh tranh rất thấp, việc thi tuyển chỉ là một dạng khác của đề cử, bổ nhiệm mà thôi", bà nói và cho rằng thành phố cần mở rộng nhóm người được thi tuyển để đạt mục đích chính của đề án là thu hút nhân tố mới và hạn chế chạy chức, chạy quy hoạch. Đối tượng mở rộng có thể vẫn là người trong khu vực công, nhưng tập trung nhiều tiêu chí về chuyên môn, năng lực hơn; ngoài ra có thể tính đến người ở khối tư nhân...
Bên cạnh đó, theo đề án thi tuyển của thành phố, ứng viên vẫn phải thông qua nhiều ban bệ như khi bổ nhiệm theo đề bạt, thành phần và người có thẩm quyền quyết định cũng không thay đổi so với trước. Trong khi sự tham gia của người ngoài như chuyên gia là không bắt buộc nên quy trình cơ bản vẫn mang tính nội bộ. "Thực tế thi tuyển công chức, viên chức ở phạm vi rộng vẫn có thể phát sinh tiêu cực thì với thi tuyển lãnh đạo, quản lý ở phạm vi hẹp tiêu cực là khó tránh khỏi. Với cơ chế can thiệp ở góc độ chính trị thì rất dễ dẫn đến việc hội đồng thi chỉ mang tính hình thức", bà nói.
Theo TS Trí, nếu muốn bứt phá thành phố cần đổi mới nhiều thứ nhưng phải dưới sự cho phép của Trung ương, song vẫn có những thay đổi trong tầm tay. Chẳng hạn, thành phố cho tăng sự tham gia của chuyên gia vào quy trình bổ nhiệm để tăng lá phiếu chuyên môn cũng như hạn chế tiêu cực. Đây có thể là thành phần bắt buộc trong hội đồng thi, và chiếm khoảng 1/3 số thành viên.
Tương tự, TS Cao Vũ Minh cũng cho rằng đối tượng thi tuyển nêu trong đề án còn hạn chế khi chỉ giới hạn người đang công tác tại TP HCM. Nếu mở rộng cho cán bộ, công - viên chức từ tỉnh khác và cả khối tư nhân tham gia thì sẽ tìm được nhiều ứng viên tiềm năng hơn. "Đã mở cửa thì phải tạo ra sự cạnh tranh sòng phẳng giữa người trong và ngoài bộ máy, tính toán tất cả điều kiện để họ tham gia đường đua một cách công bằng nhất", ông nói.
Thu Hằng