Dự án ở khu đô thị mới phải xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng mới được bán nhà. |
Trong cuộc họp, Sở Tài nguyên môi trường nêu ra 17 giải pháp hầu có thể "nung chảy" tảng băng đang đông cứng thị trường bất động sản. Đáng chú ý là kiến nghị sửa đổi Nghị định 181/CP. Sở Tài nguyên môi trường cùng Hiệp hội kinh doanh bất động sản thành phố đề nghị UBND kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép nhà đầu tư được chuyển nhượng dự án nhà ở sau khi dự án đã hoàn thành cơ bản phần hạ tầng kỹ thuật, cho nhà đầu tư khác có chức năng kinh doanh nhà để đầu tư xây dựng nhà ở kinh doanh.
Giới quản lý cũng như kinh doanh bất động sản thành phố đề nghị Thủ tướng xem xét việc thu tiền sử dụng đất theo Nghị định 198/CP. Theo Nghị định 198, tiền sử dụng đất được thu theo giá đất sau đầu tư trừ đi tiền bồi thường theo giá đất khi được Nhà nước giao đất. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, cách tính này chưa phù hợp vì nhà đầu tư phải bỏ chi phí để đầu tư hạ tầng làm tăng giá trị đất, nhưng lại phải nộp hết cho Nhà nước theo giá sau đầu tư. Do đó, TP HCM kiến nghị, tiền sử dụng đất sẽ thu ở mức khoảng từ 10-20% giá đất phi nông nghiệp hoặc 100% giá đất nông nghiệp.
Các đề nghị với Chính phủ còn có việc ban hành cơ chế về tài chính cho ngân hàng, trong đó ngân hàng được cấp tín dụng trung và dài hạn cho các dự án kinh doanh bất động sản và cho người có thu nhập thấp để vay mua trả góp dài hạn trong 20-25 năm. Theo phân tích của Hiệp hội kinh doanh bất động sản TP HCM, trong khi các chủ đầu tư không đủ vốn để kinh doanh bất động sản thì các ngân hàng lại hạn chế cho vay trung và dài hạn, làm lượng "cầu" nhà ở, đất ở bị ách tắc. Hậu quả là thị trường bất động sản bị ngưng đọng.
Các kiến nghị xuất phát từ việc thị trường bất động sản tại TP HCM đã thực sự đóng băng kể từ sau khi Nghị định 181 ra đời. Báo cáo của Sở Tài nguyên môi trường cho thấy, ở thị trường sơ cấp, 7 tháng đầu năm, số dự án được thành phố ký quyết định giao thuê đất là 113 dự án, với diện tích 175 ha, bằng 40% về số dự án và 18% về diện tích so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó tại thị trường thứ cấp, theo đánh giá của Sở Tài nguyên môi trường là từ trước tới nay sôi nổi nhờ việc mua bán chuyển nhượng đất nền để kinh doanh kiếm lời hoặc dự trữ; thì sau Nghị định 181 thị trường đất nền nhà khan hiếm dần, giao dịch cũng "chết" lặng.
Giao dịch qua Trung tâm thông tin tài nguyên môi trường và đăng ký nhà đất trong 6 tháng đầu năm đã giảm đến 51% so với cùng kỳ năm trước. Tại sàn giao dịch bất động sản của Công ty cổ phần địa ốc ACB, lượng hồ sơ giao dịch trong nửa đầu năm cũng giảm 53%. Con số này giảm đến 84% nếu tính trên số căn hộ và 59% trên giá trị giao dịch tại sàn bất động sản của Công ty địa ốc Him Lam.
Song, ông Nguyễn Văn Đua, Phó chủ tịch UBND TP HCM đặt câu hỏi: "Nguyên nhân của thị trường bất động sản đóng băng là do tác động của Nghị định 181/CP hay là do doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thiếu vốn?". Theo ông Đua, cần nhận định đúng bản chất của tình hình để "kê toa uống thuốc điều trị" hiệu quả.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế thành phố cho rằng nguyên nhân là ở cả vốn và việc cấm phân lô bán nền. Ông Trần Quang Thành, Tổng giám đốc Công ty địa ốc Vạn Phát Hưng thì xác định, vốn và nghị định 181 có mối liên quan chặt chẽ với nhau. "Vốn chủ yếu là trong dân, chuyển nhượng phần lớn ở nền dự án. Nghị định 181 "ngăn" nền dự án, đầu tư hạ tầng buộc vốn phải tăng cao, làm tăng giá trị lại dẫn đến thiếu vốn", ông Thành mô tả.
Chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Hải khẳng định, chủ trương của thành phố hiện nay vẫn không chấp nhận tình trạng phân lô bán nền dù ở Cần Giờ hay Nhà Bè. "Vấn đề quan trọng là phải xây dựng hạ tầng đồng bộ cả về mặt giao thông và xã hội, việc phân lô bán nền đã làm cho hạ tầng phát triển manh mún, lồi lõm", ông Hải nói. Theo ông Hải, ngoài ra thành phố cũng đang khuyến khích xây dựng nhà cao tầng để giải quyết nhu cầu về nhà ở của người dân, càng không thể để tái lập hiện tượng phân lô bán nền như các năm trước.
Bên cạnh việc tìm kiếm những giải pháp để kích cầu thị trường bất động sản thành phố, ông Lê Thanh Hải cũng tỏ ra lo ngại về tương lai của ngành kinh doanh này khi chất lượng doanh nghiệp quá kém. Hiện có hơn 4.100 công ty kinh doanh bất động sản trên địa bàn thành phố, trong đó chỉ có khoảng 1/3 doanh nghiệp là kinh doanh bất động sản, còn lại 2/3 chỉ thuần túy mua bán đất. "Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cần tập trung nghiên cứu nhiều hơn về công nghệ xây dựng, vật liệu mới... để nâng cao chất lượng kinh doanh thì mới đứng vững được khi hội nhập thương mại thế giới", ông Hải nhấn mạnh. Theo ông Hải, đầu tư cho công nghệ và nguồn nhân lực cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng là một giải pháp hiệu quả để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.
Phan Anh