Người đua xe môtô, ôtô trái phép sẽ bị thu giữ phương tiện, bất kể do ai sở hữu. Đó là nội dung quan trọng nhất của quyết định số 106 về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ”. Ngoài việc hạn chế tình trạng đua xe trái phép, quyết định còn nhằm hạn chế việc chủ phương tiện cho người khác mượn xe để đua. Những người điều khiển xe lạng lách, đánh võng, chạy đuổi nhau trên đường, xe 2 bánh chạy bằng 1 bánh, xe 3 bánh chạy bằng 2 bánh, buông 2 tay khi điều khiển xe, hoặc dùng chân, ngồi một bên, nằm, đứng trên yên để điều khiển xe, chạy quá tốc độ quy định, thay người điều khiển khi xe đang chạy… nếu bị vi phạm lần 2 cũng sẽ bị tịch thu phương tiện.
Người đậu đỗ xe, họp chợ mua bán, lấn chiếm lòng lề đường làm cản trở giao thông đều có các mức quy định tiền phạt từ 100.000 đến 300.000 đồng. Các hành vi rải đinh trên đường, lập bến xe, bãi đỗ xe không theo quy hoạch, khoan xẻ, đào đường trái phép, tự ý phá dải phân cách sẽ bị phạt từ 1 triệu đến 5 triệu đồng.
Lần đầu tiên, hành vi khạc nhổ nơi công cộng sẽ bị phạt từ 10.000 đến 50.000 đồng. Tiểu tiện, đại tiện, tắm giặt, phơi đồ đạc nơi công cộng bị phạt từ 100.000 đến 300.000 đồng, theo quyết định số 105. Quyết định này quy định chi tiết các về mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Cũng theo quyết định 105, mức tiền phạt nâng lên gấp 2-3 lần trước đây, cá biệt có hành vi nâng lên gấp 10 lần. Các hoạt động sử dụng nguyên liệu sản xuất, phụ gia không bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh; cơ sở sản xuất, chế biến lương thực thực phẩm, ăn uống giải khát, nhà ăn tập thể không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh bị phạt từ 10 triệu đến 30 triệu đồng. Những cơ sở gây sự cố rò rỉ dầu, cháy nổ, cơ sở sản xuất ô nhiễm không chấp hành quyết định di dời bị xử phạt từ 50 đến 70 triệu đồng.
Quyết định số 107 đã tạo ra một cơ chế mới, tăng cường quyền hạn và trách nhiệm cho cấp phường xã.
Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn được quyền áp dụng các biện pháp: đình chỉ xây dựng, tạm giữ người và công cụ, phương tiện, vật tư xây dựng; buộc tháo dỡ hoặc tổ chức cưỡng chế công trình vi phạm. Phường, xã, thị trấn được phép thành lập các Tổ quản lý trật tự đô thị nhằm hỗ trợ trong công tác kiểm tra, phát hiện những vi phạm trong xây dựng. Các tổ này được quyền lập biên bản và đình chỉ xây dựng, đề xuất chính quyền mức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp cưỡng chế.Ngoài các quy định về xử phạt trên 3 lĩnh vực trên, UBND TP HCM còn ban hành quyết định về quản lý người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng. Những người này, tuỳ đối tượng, hoàn cảnh, sẽ được trả về địa phương, đưa đi lao động tại các cơ sở sản xuất của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, định cư tại các vùng kinh tế mới, hoặc đưa vào các Trung tâm bảo trợ xã hội.
Những nội dung không có trong quyết định, được áp dụng các biện pháp xử phạt theo Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính của Chính phủ.
Đặng Vỹ