Thông tin được ông Trần Văn Tiên, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội TP HCM, nói tại buổi giám sát của HĐND TP về tình hình thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững của thành phố giai đoạn 2021-2025, ngày 2/6.
Theo ông Tiên, sau khi Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu người nghèo vay vốn để làm ăn tăng nhanh, trở thành "nhu cầu bức thiết". Chỉ riêng hồ sơ tồn chưa giải ngân của năm 2021 đã lên đến 800 tỷ đồng. Đối với các đề nghị vay mới của người nghèo trong năm nay, ngân hàng phải dừng tiếp nhận vì không có tiền.
Hiện, có hai nguồn để người nghèo vay vốn là ngân hàng chính sách xã hội Trung ương và ngân sách thành phố. Tuy nhiên, hai năm qua, TP HCM chưa bổ sung kinh phí (năm 2021 là 1.088 tỷ đồng; năm 2022 là 1.116 tỷ đồng) cho chương trình giảm nghèo bền vừng giai đoạn 2021-2025.
Tại buổi giám sát, đại diện hai sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính cho biết do vướng mắc thủ tục pháp lý nên phải hỏi cơ quan cấp trên để làm rõ vốn lấy từ ngân sách hay nguồn đầu tư công. Sau khi được giải đáp, hai đơn vị đang phối hợp để tham mưu UBND TP có tờ trình cấp vốn gửi HĐND vào kỳ họp tới.
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP HCM), cho hay có 6/7 quận, huyện khi ban giám sát đã tha thiết đề nghị ngân hàng sớm giải ngân vốn vay cho người nghèo. Bởi không tiếp cận được vốn với lãi suất thấp, người dân phải tìm đến tín dụng đen khiến cuộc sống của họ càng khó khăn hơn.
Theo ông Bình, lý do chậm trễ hai sở đưa ra không thuyết phục bởi các vướng mắc đã được hai bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính hướng dẫn, trả lời khá rõ ràng từ năm 2021. "Các sở cứ đá bóng với nhau, không biết bao giờ người nghèo mới được cấp vốn", ông Bình nói.
Hiện, người nghèo có thể vay tối đa đến 100 triệu đồng để tạo việc làm với lãi suất 7,92%/năm, thời hạn cho vay lên tới 120 tháng. Một số trường hợp được vay với lãi suất chỉ bằng một nửa so với quy định gồm người lao động là dân tộc thiểu số sống tại vùng khó khăn, người khuyết tật...
Lê Tuyết