Thông tin trên được bà Trần Mai Phương, Phó giám đốc Sở Tài chính thành phố, cho biết tại buổi giám sát của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP HCM chiều 18/4 về công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị tác động do Covid-19. Với số tiền còn thiếu, Trung ương hỗ trợ 2.000 tỷ đồng (chiếm hơn 13%). Con số này nhỏ hơn rất nhiều so với nhu cầu kinh phí mà thành phố cần trong đại dịch.
Nói về khó khăn trong cân đối nguồn kinh phí, lãnh đạo Sở Tài chính cho biết thời điểm dịch căng thẳng, các đơn vị xây dựng dự toán kinh phí chi công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân rất cao, gây áp lực rất lớn cho thành phố trong cân đối ngân sách. Con số lại liên tục thay đổi, nên thành phố phải sắp xếp thứ tự ưu tiên, các nhiệm vụ cấp bách như tiêm vaccine, điều trị giảm ca tử vong.
Sau khi sử dụng hết nguồn dự phòng ngân sách năm 2021, ngành tài chính thành phố rà soát các nguồn lực đã được tích lũy từ nhiều năm trước như nguồn cải cách tiền lương, nguồn kết dư ngân sách, quỹ dự trữ tài chính... nhưng cũng chỉ cân đối được hơn 18.000 tỷ đồng.
Bà Phương nói thêm số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2021 đạt 106,01% dự toán, nhưng thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp chỉ đạt gân 95%, trong khi chi thường xuyên vượt 23%. Một khó khăn khác là ngân sách Trung ương không hỗ trợ đối với những chính sách do địa phương ban hành.
Vì thiếu kinh phí nên đến nay ở gói hỗ trợ thứ 3 theo Nghị quyết 97 của HĐND thành phố (mỗi người nhận được một triệu đồng), còn gần 900.000 người chưa được giúp đỡ với tổng số tiền thiếu khoảng 900 tỷ đồng. Nhiều nhất ở huyện Bình Chánh với hơn 470.000 người, tỷ lệ gần 60%, sau đó là Bình Tân với hơn 320.000 người, huyện Củ Chi với gần 97.000 người.
Tại buổi giám sát, đại diện quận Tân Bình, huyện Bình Chánh, TP Thủ Đức cho biết đã ứng trước ngân sách để chi phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân nhưng đến nay chưa được thành phố rót về khiến địa phương gặp khó khăn. Đơn cử, quận Tân Bình, đang thiếu kinh phí để vận hành bệnh viện dã chiến đa tầng 200 tỷ đồng, nợ các nhà cung cấp suất ăn, thiết bị y tế 70 tỷ đồng, hỗ trợ tiền ăn theo quy định cho F0, F1 hơn 40 tỷ đồng...
Lãnh đạo Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hoài Nam cũng cho biết việc chi trả chế độ hỗ trợ cho lực lượng tình nguyện viên, thành viên ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, chăm sóc F0 tại nhà cũng đang chậm trễ và đề nghị thành phố sớm bổ sung kinh phí.
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, nói rằng trong nhóm thiếu kinh phí, bức xúc nhất là gần một triệu người dân ở huyện Bình Chánh, Củ Chi và quận Bình Tân với số tiền gần một nghìn tỷ đồng. Ông Bình đề nghị sớm bổ sung nguồn để chi cho người dân.
Phó giám đốc Sở Tài chính cho biết quan điểm của thành phố sẽ tìm nguồn tài chính để hỗ trợ cho người dân trong năm nay. Các địa phương cần rà soát lại kỹ danh sách, đảm bảo đúng người, các khoản chi phải đúng quy định.
Lê Tuyết