Trong văn bản chỉ đạo về dạy thêm học thêm mới đây, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Thu giao Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện chủ trương trước đó của lãnh đạo thành phố, nhằm khắc phục tình trạng tràn lan, tiêu cực, gây bức xúc trong xã hội.
Các cơ quan liên quan được giao nghiên cứu, đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ cải thiện thu nhập cho giáo viên. Còn các trường sẽ tạo điều kiện để giáo viên tham gia dạy thêm đúng quy định.
Báo cáo về tình hình quản lý dạy thêm học thêm hồi cuối tháng 11, UBND TP HCM cho rằng, với một số giáo viên dạy thêm là công việc để tăng thu nhập một cách chính đáng khi lương chưa đủ trang trải cuộc sống. Quan trọng hơn, dạy thêm tạo động lực để giáo viên trau đồi chuyên môn, giúp thầy cô đi sâu vào các dạng bài tập phong phú mà giờ chính khóa không đủ điều kiện để triển khai.
Hiện, TP HCM có khoảng 100.000 học sinh tiểu học học thêm văn hóa ngoài giờ, 190.000 học sinh THCS và THPT tham gia học thêm tại cơ sở trong trường và 30.000 em học ngoài trường.
Ngoài trách nhiệm của Sở Giáo dục, UBND TP HCM đề nghị Chủ tịch UBND các quận huyện tăng cường kiểm tra, không để xảy ra các sự việc tiêu cực trong hoạt động này.
Trước đó, trong thông báo về công tác quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn, Thành ủy TP HCM khẳng định "chủ trương chấm dứt dạy thêm học thêm tràn lan hiện nay là đúng đắn", song cần có lộ trình và cách làm phù hợp.
TP HCM cho phép các trường được dạy thêm, song hoạt động này phải dựa trên sự tự nguyện của học sinh. Các trường phải khảo sát, phân chia lớp học theo cấp độ học lực, trình độ của học sinh. Danh sách lớp học thêm và nội dung, chương trình giảng dạy do hiệu trưởng nhà trường quyết định.
Mạnh Tùng