Trao đổi với VnExpress ông Vũ Xuân Hòa, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Bách Khoa cho biết, về cơ bản tuyến đường trên cao số 1 vẫn có lộ trình như thiết kế trước đây. Nó sẽ bắt đầu từ đường Cộng Hòa (gần vòng xoay Lăng Cha Cả) đi theo đường Bùi Thị Xuân chạy dọc theo Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, sau đó đến đường Nguyễn Hữu Cảnh (gần cầu Thị Nghè 2). Tuy nhiên, đơn vị tư vấn đã đề xuất điều chỉnh một số phương án nhằm hoàn thiện hơn cho dự án đường trên cao số 1.
Các tuyến đường trên cao được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng giao thông quá tải hiện nay của TP HCM. Ảnh: minh họa. |
Theo đó, độ rộng của đường trên cao được đề xuất điều chỉnh 16m (thiết kế trước đây) lên thành 17m hoặc 19,5m. Mục đích là để bảo đảm được lưu thông của các phương tiện nhưng lại hạn chế được mức thấp nhất việc che chắn các công trình khác làm ảnh hưởng tới không gian kiến trúc đô thị.
Đồng thời nút giao cuối tuyến cũng được điều chỉnh để hạn chế phải giải tỏa những khu dân cư đã ổn định và tránh để nhiều trụ cầu của đường trên cao "rơi" vào những tuyến giao thông thủy.
Ngoài ra, đơn vị tư vấn cũng đã đề cập đến vấn đề vận tốc thiết kế trên mỗi đoạn đường trên cao sao cho phù hợp hơn.
"Vào cuối tháng 8 chúng tôi sẽ có buổi báo cáo giữa kỳ với Sở GTVT và nếu mọi việc thuận lợi dự án sẽ hoàn chỉnh để báo cáo cuối kỳ với thành phố chọn nhà đầu tư và quyết định hình thức đầu tư", ông Hòa cho biết.
Tuyến số 1 được khởi động từ năm 2002 do công ty GS E&C (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư. Nhưng theo UBND TP do “điều kiện kinh tế không thuận lợi và phải tập trung nguồn lực cho dự án xây dựng đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài" nên chủ đầu tư này đã xin rút khỏi dự án. Vì vậy, dự án đường trên cao số 1 bị gián đoạn từ đó đến nay.
Đường trên cao số 1 có tổng chiều dài 8 km, là một trong 4 đường trên cao tại TP HCM theo quy hoạch đến năm 2020, có chức năng kết nối khu vực phía tây bắc và sân bay Tân Sơn Nhất với trung tâm hiện hữu và khu đô thị Thủ Thiêm. Tổng mức đầu tư ban đầu dự kiến hơn 4.000 tỷ đồng.
Theo quy hoạch hệ thống giao thông vận tải trên địa bàn TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 sẽ bao gồm 4 tuyến đường trên cao liên thông với nhau, giữ vai trò giải quyết giao thông trực tuyến ở các trục có lưu lượng giao thông lớn. Cụ thể: Tuyến số 1 có lộ trình từ nút giao Cộng Hòa theo đường Cộng Hòa - Bùi Thị Xuân - kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè rồi tiếp đất tại đường Nguyễn Hữu Cảnh. Tuyến số 2 bắt đầu từ điểm giao với tuyến số 1 tại đường Tô Hiến Thành nối dài theo đường Tô Hiến Thành - Lữ Gia - Bình Thới - Lạc Long Quân - đường số 3 - đường Vành đai 2. Tuyến số 3 từ điểm giao với tuyến số 2 tại đường Tô Hiến Thành sẽ theo đường Lê Hồng Phong nối dài - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Văn Cừ nối dài - Lê Văn Lương - Nguyễn Văn Linh. Tuyến số 4 có lộ trình từ nút giao thông Bình Phước theo Quốc lộ 13 vượt sông Sài Gòn sang đường Vườn Lài - Nguyễn Xí - Đinh Bộ Lĩnh - Điện Biên Phủ rồi kết nối vào tuyến số 1. |
Hữu Công