Ông Nguyễn Văn Đua: "Thành phố sẽ cưỡng chế nếu có tình trạng đối phó, hoãn binh". |
- Ông giải thích thế nào trước dư luận cho rằng chính quyền không kiên quyết trong việc lập lại kỷ cương khi không thực hiện cưỡng chế các căn nhà vi phạm?
- UBND thành phố không nói rằng sẽ không cưỡng chế. Đến giờ phút cuối, chủ các căn nhà đã chấp hành chủ trương, và đề nghị xin được tự tháo dỡ. Việc này sẽ tiết kiệm được rất nhiều về thời gian, công sức và tiền bạc. Thực ra, bản chất của việc cưỡng chế là nhằm răn đe, giáo dục, và chỉ là sự lựa chọn cuối cùng. Có thể nói việc các hộ xin tự thực hiện, chính quyền không cần phải tổ chức cưỡng chế thể hiện cách xử lý vừa cứng rắn đồng thời cũng rất mềm dẻo, chứ không thể nói rằng thành phố bỏ dở chủ trương.
- Hiện tại, trong những ngôi nhà được UBND quận 1 thông báo là đã tự tháo dỡ, có nhà chỉ làm động tác đối phó chứ không nghiêm túc thực hiện. Vậy chính quyền có biện pháp gì để kiểm soát?
- Nhân dân và lãnh đạo thành phố ghi nhận ý thức, hành vi chấp hành pháp luật, tự giác sửa sai của các hộ. UBND thành phố hoan nghênh và sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để chủ nhà thực hiện tháo dỡ. Việc làm theo kiểu kéo dài để hoãn binh có thể xảy ra. Trường hợp này chính quyền cũng đã có biện pháp. Sẽ rất sai lầm nếu các hộ có suy nghĩ rằng chính quyền không đủ kiên quyết. Bên cạnh vấn đề kỷ cương phép nước, ở đây còn vì lợi ích chung của nhân dân. Cũng đã có ý kiến cho rằng, việc chậm cưỡng chế có thể còn vì một vài vướng mắc, liên quan đến người có chức quyền. Song xin nhắc lại, khi thực hiện việc lập lại trật tự kỷ cương đô thị, sẽ không để có trường hợp nào ngoại lệ.
- Nhưng chính quyền không ra thời hạn cuối cùng phải hoàn thành thì làm thế nào để có thể kết luận các hộ đối phó, hoãn binh?
5 căn 209, 357, 359 Phạm Ngũ Lão, 90, 108 Lê Lai đang tự tháo dỡ. 2 căn 365 Phạm Ngũ Lão, 05 Trương Định đã tháo dỡ xong. 11 căn đã có phương án tháo dỡ: 171, 211, 213, 221, 237, 267, 269 Phạm Ngũ Lão, 14 Lê Lai, 271, 277+ 277B Lê Thánh Tôn. Nhà 173 Phạm Ngũ Lão sang tên cho 5 đồng sở hữu, đang vận động. 3 căn 110, 112, 114 Lê Lai xin hợp khối, không được chấp nhận. |
- Thành phố, quận sẽ lập các đội kiểm tra giám sát, đội thi hành quyết định hành chính. Lực lượng này sẽ cùng với UBND, các đoàn thể ở phường, quận kiểm tra, đôn đốc thực hiện và báo cáo tình hình, tiến độ thực về thành phố. Việc này sẽ được thực hiện thường xuyên, hàng tuần. Dù chưa có một mốc thời gian hạn định, song không thể có khoảng thời gian quá dài cho việc tháo dỡ một vài tầng lầu. Nếu hộ nào cố tình trì kéo, trước hết hộ đó sẽ bị thiệt thòi về quyền lợi, vì khi kéo dài thời gian tháo dỡ thì cũng có nghĩa các hộ tự nhân lên thời gian bị đình chỉ kinh doanh của mình. Và UBND thành phố cũng sẽ không ngần ngại việc cưỡng chế.
- Tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ thành phố mới đây, Bí thư thành uỷ cho biết, có 80-90% sai phạm trong xây dựng. Sau việc này, thành phố đã có chủ trương gì trong việc lập lại trật tự kỷ cương trên toàn địa bàn?
- Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, ở 20 quận huyện đã có hơn 7.200 trường hợp vi phạm, trong đó 5.542 trường hợp không có giấy phép, hơn 1.700 vụ sai giấy phép. Nếu kể cả quận Tân Bình, nơi hiện nay tình trạng xây dựng trái phép đang diễn ra nhiều nhất, thì con số còn lớn hơn nữa. Trong khi đó, hiệu quả của công tác xử lý còn rất thấp vì sự thiếu ý thức chấp hành của người dân và một cơ chế để vận dụng luật chưa đầy đủ. Cũng có thể phần nào đó có tiêu cực trong một bộ phận cán bộ quản lý. Nhu cầu về nhà ở của dân rất lớn, nhưng cơ chế, thủ tục giao đất, cấp phép của thành phố vẫn còn nhiêu khê, Nhà nước không giải quyết, phục vụ, đáp ứng được nhu cầu của dân.
Thành phố sẽ kiên quyết hơn trong việc xử lý các trường hợp vi phạm, như đang thực hiện ở quận 1, Gò Vấp. Nếu phát hiện có tiêu cực trong cơ quan hoặc cán bộ quản lý, sẽ xử lý theo luật và pháp lệnh. Sắp tới, Luật Xây dựng sẽ được Chính phủ ban hành, trở thành cơ sở pháp lý, là điều kiện để thành phố thực hiện công tác quản lý hiệu quả hơn.
Đặng Vỹ thực hiện